"Những gì khó quá sức, nghĩa là không cần thiết cho con"
Thời
điểm này, nhiều học sinh lớp 9 ở TPHCM đang tăng tốc luyện thi vào lớp
10 - kỳ thi được xem là khốc liệt bậc nhất đời học sinh - sẽ diễn ra vào
đầu tháng 6.
Học sinh học ở trường, rồi "chạy sô" bên ngoài, thậm
chí học thêm 3-4 địa điểm ôn thi đã không là chuyện lạ để tìm một chỗ ở
lớp 10 công lập.
Trái
với hình ảnh "vắt chân lên học" quen thuộc trên, dù chuẩn bị tham dự kỳ
thi sắp tới nhưng con gái của chị Lê Thùy Minh (ở Bình Tân, TPHCM) vẫn
duy trì lịch sinh hoạt như nhiều năm qua. Và đặc biệt là "nói không với
đi học thêm, luyện thi".
Ngoài giờ học ở trường, từ lâu nay mỗi
tuần cháu có 2 buổi tham gia lớp học võ, 2 buổi học vẽ đến 18h30. Tối về
nhà cháu cùng ba mẹ rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, xếp quần áo đến tầm 20h
thì bắt đầu ngồi vào bàn đọc sách và học.
Cuối
tuần, ngoài 2-3 tiếng lên thư viện chung cư tự học, cháu sẽ đi cà phê
với bố mẹ, đi xem phim, đánh cầu lông. Thời điểm này các bạn đang ôn thi
nên con khó gặp gỡ bạn bè.
Theo chị Minh, cháu tự học, nếu gặp
bài khó sẽ hỏi thêm anh trai đang học đại học năm nhất, hỏi thêm thầy cô
hoặc lên mạng tìm hiểu, nhờ hỗ trợ. Con gái chị ngoài đăng ký học tiếng
Anh online trong hai năm hồi lớp 7 và lớp 8, cháu chưa từng đi học thêm
các môn văn hóa bên ngoài.
"Vợ chồng tôi quan điểm con học cả
ngày ở trường đã là quá nhiều. Ngoài việc học, cuộc sống hàng ngày của
con còn nhiều thứ cần thiết khác như trò chuyện với người thân, làm việc
nhà, vui chơi giải trí, thể thao, đọc sách....
Mỗi ngày chỉ có 24
tiếng, nếu con dồn hết cho việc học thì con buộc phải bớt những thứ cần
khác là không đáng", chị Minh cho hay.
Chưa kể, gia đình chị xác
định rõ, chi phí cho việc học văn hóa của con bố mẹ chỉ có thể gồng gánh
khoản tiền chính khóa. Bên ngoài nếu có sẽ chỉ dành cho các môn năng
khiếu, giải trí chứ không thể lo thêm tiền học thêm các môn văn hóa.
Chị
Lê Thùy Minh trải lòng, khi con trai đầu học tiểu học, trong vòng nửa
năm chị có đăng ký cho con đi học thêm sau giờ học. Đó là lúc chị nhận
ra sự bất ổn của đứa trẻ "đã học trên trường còn phải học thêm" khi
chúng không có thời gian để nghỉ ngơi, thời gian cho những hoạt động
khác, lúc nào cũng vội vàng, mệt mỏi...
Chưa kể, con mất dần khả
năng tự học, lười suy nghĩ vì sẵn tâm lý "để đến lớp học thêm". Từ đó,
chị đi đến quyết định cho con không học thêm.
Chị nói với các con
rằng, không đi học thêm không có nghĩa là không học mà chúng ta phải
tăng khả năng tự học, tự suy nghĩ, tự động não, tự tìm cách, tự xử lý…
"Gặp
bài khó con có thể học thầy học bạn, nhờ người xung quanh hỗ trợ. Còn
nếu kiến thức vẫn quá khó với con thì có nghĩa là kiến thức đó không phù
hợp và không cần thiết cho con", chị Minh nói.
Chị
rút ra từ chính trải nghiệm của bản thân khi đi làm, chị cũng chỉ sử
dụng những kỹ năng, kiến thức chuyên môn nhất định. Còn những gì vượt
khả năng của chị sẽ có đồng nghiệp, sẽ có những bộ phận khác xử lý, mình
không thể làm tất cả.
Con trai đầu của chị cũng nhờ tự học, không
đi học thêm và đỗ vào lớp 10 tại một trường vừa sức, đến giờ theo lộ
trình học tiếp lên đại học.
Nhiều con đường cho con
Chị
Lê Thùy Minh chia sẻ, như bao ông bố bà mẹ khác, chị cũng mong muốn con
đỗ vào lớp 10 để có một lộ trình học tập ổn định nhất. Tuy nhiên, chị
không muốn con phải gánh áp lực quá mức của một kỳ thi, không muốn kỳ
thi này "quyết định cuộc đời" của đứa trẻ.
Thời đi học, có những người bạn của chị Minh đã chọn "ra đi không trở về" trước áp lực thi cử, vì thi rớt.
Năm
nay, con gái chị chọn trường vừa với sức đăng ký nguyện vọng để giảm
căng thẳng. Gia đình xác định trường hợp con thi rớt, có nghĩa nơi đó
không phù hợp với con. Khi ấy, sẽ có những lựa chọn thích hợp hơn cho
con như học nghề, giáo dục thường xuyên…
Không
gò ép con đi học thêm, đánh đổi tất cả thời gian công sức cho việc ôn
thi, chị Minh còn muốn con nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực của bản
thân.
Động viên con tự học, cố gắng hết sức mình, vợ chồng chị
Minh cũng nói với con: "Con có thể thi đỗ và con cũng được quyền thi
rớt. Thi rớt không phải là điều tồi tệ mà có khi mở ra cho con một lối
đi, một con đường khác dành cho mình. Nơi phù hợp nhất mới là nơi tốt
nhất".
Không chỉ vừa sức với con mà việc con không đi học thêm,
với chị Minh, còn vừa sức với chính vợ chồng chị. Nếu con học thêm, họ
sẽ phải gồng gánh thêm chi phí, trở thành gánh nặng kinh tế đè lên vai
bố mẹ.
Gác
lại một bên những con số hơn 100.000 thí sinh tham gia kỳ thi lớp 10
trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 71.000 em của TPHCM, chị Minh và con bước
theo lối đi của mình.
Lối đi tự thân nỗ lực nhưng cũng sẵn sàng cho nhiều phương án phía trước…