Sáng 29/3, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Lắk, cho biết, trong năm nay, toàn tỉnh có
trên 31.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong số này, dự kiến có khoảng
23.000 học sinh học tại các trường THPT công lập, khoảng 4.000 em học ở
các trung tâm giáo dục thường xuyên và khoảng 4.000 em học các trường tư
thục, học nghề.
Ông Hiệp cho biết, theo Đề án "Giáo dục hướng nghiệp
và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn
tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018-2025", tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 THPT
năm học 2018-2019 là 86%, đến năm học 2022-2023 là 78,7%, giảm dần tỉ lệ
này trong những năm tiếp theo.
Lãnh
đạo Sở GD&ĐT cho biết, phía Sở đã và đang tổ chức những buổi tuyên
truyền nội dung, ý nghĩa của đề án giáo dục hướng nghiệp để học sinh,
phụ huynh, giáo viên hiểu, nắm kỹ về đề án, để có sự chuẩn bị khi phân
luồng học sinh.
Phía Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tuyển sinh
vào lớp 10 THPT công lập bằng phương thức thi tuyển đối với 8 địa
phương trên toàn tỉnh và đang chờ tỉnh ban hành kế hoạch chính thức.
Trước đó, đầu năm học 2023-2024, tỉnh Đắk Lắk có trên 2.500 học sinh không có trường để học gây lo lắng cho học sinh lẫn phụ huynh.
Lãnh
đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk lý giải, do công tác tuyển sinh lớp 10 được
thực hiện theo đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học
sinh trong giáo dục phổ thông tỉnh giai đoạn 2018-2025. 70% học sinh sau
tốt nghiệp THCS sẽ vào THPT, số còn lại học chương trình vừa học nghề,
vừa học văn hóa.
Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh chưa mặn mà cho con theo học các trường nghề và vẫn muốn được theo học hệ THPT.
Sau
đó, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo bổ sung kinh phí để mở thêm các lớp 10 tại
Trung tâm GDTX-GDNN và đề nghị Sở GD&ĐT có phương án xử lý tình
trạng này.