Việc Bách khoa Hà Nội chuyển từ trường đại học
thành đại học, theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ giúp
tăng sự năng động, sáng tạo.
Tại Lễ công bố quyết định công nhận hội đồng, chủ tịch
hội đồng và giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 17/3, Bộ trưởng Sơn
đánh giá việc chuyển đổi mô hình là dấu ấn phát triển, khi mô hình cũ
không còn đáp ứng nhu cầu và định hướng lâu dài.
"Một
chữ trường và đại học chỉ là ngôn từ, nhưng có sự khác biệt rất lớn,
thể hiện sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp", ông Sơn nói, cho rằng
sự thay đổi không chỉ dừng lại ở cái tên, mà là định hướng phát triển.
Ông
Sơn cho biết mô hình đại học thích hợp với một hệ thống lớn, cán bộ,
giảng viên và sinh viên đông, đa dạng như Bách khoa Hà Nội. Mô hình này
vừa đảm bảo sự tự chủ và điều hành thống nhất, vừa tạo điều kiện cho
từng đơn vị trực thuộc có quyền tự chủ, giúp cả hệ thống tăng sự năng
động, sáng tạo.
"Bách khoa Hà Nội là trường đầu
tiên được Thủ tướng ký quyết định chuyển tên gọi và mô hình từ trường
đại học thành đại học, thể hiện tính tiên phong", ông nói.
Ngoài thuận lợi, ông Sơn nhận định việc thay
đổi mô hình, định hướng cần nhiều thời gian, nên Đại học Bách khoa Hà
Nội còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu. Theo ông, việc chuyển
từ trường đại học và đại học không phải xu hướng, mà cần xem đây là công
cụ để giải phóng sức sáng tạo. Nếu không làm được điều này, sự thay đổi
rất ít ý nghĩa.
Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào
tạo nói Đại học Bách khoa Hà Nội phải luôn là trường đứng đầu Việt Nam
về công nghệ, kỹ thuật, có vai trò dẫn dắt khối trường trong lĩnh vực
này. Bộ sẽ giám sát trường trong việc tuân thủ và thực hiện nhiệm vụ
này.
Tại buổi lễ, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu
trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận quyết định trở thành Giám đốc, các
phó hiệu trưởng là Phó giám đốc. GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng
trường trở thành Chủ tịch Hội đồng đại học. Thành viên Hội đồng này gồm
lãnh đạo các khoa, viện, đại diện Bộ.
Tháng 12 năm ngoái, trường Đại học Bách khoa
Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ,
là đại học thứ 6 của Việt Nam (5 đại học khác gồm Đại học Quốc gia Hà
Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).
Dù
có nhiều trường thành viên, người học bậc cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và
tiến sĩ sau khi tốt nghiệp vẫn được cấp bằng của Đại học Bách khoa Hà
Nội, nhằm đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và
danh tiếng của đại học này.
Theo Luật Giáo dục đại
học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau.
Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn
đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học,
khoa thành viên.
Trả lời VnExpress ngày 5/12/2022,
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, nói mô hình đại học
sẽ giúp các trường tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản
lý, quản trị các trường đại học và khoa trực thuộc. Bên cạnh đó, khi trở
thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện
thành trường thành viên. Việc thay đổi cơ cấu không chỉ xảy ra theo
hướng cơ học, giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, mà tạo ra các trường mang tính
liên ngành nhiều hơn, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất
lượng đào tạo.
Một số trường đại học như Kinh tế TP
HCM, Kinh tế quốc dân, Cần Thơ đã thành lập hoặc xây dựng đề án thành
lập trường trực thuộc, chuẩn bị chuyển thành đại học