Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập thêm trường Hoá và Khoa học sự sống, trường Vật liệu, nâng tổng số trường lên 5.
Tối 21/4, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại
học Bách khoa Hà Nội, cho biết quyết định thành lập hai trường mới được
Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua cuối tháng 3.
Theo
ông Điền, trường Hoá và Khoa học sự sống được thành lập trên cơ sở Viện
Kỹ thuật hoá học, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học và công nghệ
thực phầm cùng một trung tâm nghiên cứu về hợp chất thiên nhiên. Trong
khi đó, trường Vật liệu cũng gồm Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Dệt
may - da giày và thời trang, nghiên cứu vật liệu ITIMS và Trung tâm
nghiên cứu vật liệu polymer.
Hiệu trưởng của trường
Hoá và Khoa học sự sống là PGS.TS Chu Kỳ Sơn, còn người đứng đầu trường
Vật liệu là GS.TS Huỳnh Trung Hải.
Như vậy, Đại
học Bách khoa Hà Nội hiện có 5 trường, gồm Cơ khí, Điện - Điện tử, Công
nghệ thông tin và Truyền thông (thành lập tháng 10/2021), Hoá và Khoa
học sự sống, Vật liệu. Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá đây là 5 lĩnh
vực mũi nhọn, góp phần tăng năng lực nghiên cứu, giảng dạy, học tập của
giảng viên và sinh viên.
Tháng 12 năm ngoái, trường Đại học Bách khoa
Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ,
là đại học thứ 6 của Việt Nam (5 đại học khác gồm Đại học Quốc gia Hà
Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).
Mỗi
năm, Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 7.000 sinh viên chính quy, tổng quy
mô đại học và sau đại học khoảng 35.000 sinh viên và học viên, nghiên
cứu sinh.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018,
trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học,
học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào
tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Tại
Lễ công bố quyết định công nhận hội đồng, chủ tịch hội đồng và giám đốc
Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 17/3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo
Nguyễn Kim Sơn đánh giá mô hình đại học thích hợp với một hệ thống lớn,
cán bộ, giảng viên và sinh viên đông, đa dạng như Bách khoa Hà Nội. Mô
hình này vừa đảm bảo sự tự chủ và điều hành thống nhất, vừa tạo điều
kiện cho từng đơn vị trực thuộc có quyền tự chủ, giúp cả hệ thống tăng
sự năng động, sáng tạo.
Một số trường đại học khác
như Kinh tế TP HCM, Kinh tế quốc dân, Cần Thơ đã thành lập hoặc xây dựng
đề án thành lập trường trực thuộc, chuẩn bị chuyển thành đại học