Ngày 9/5, Trường cao đẳng
nghề Kỹ thuật công nghệ tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho
học sinh, sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp khóa 15, niên khóa
2021-2024.
Trong diễn văn bế giảng, thầy hiệu trưởng Đặng An Bình
đã gửi lời dặn dò xúc động tới các học trò của mình trước ngưỡng cửa
cuộc đời, nhắc các em nhớ rằng bế giảng hay tốt nghiệp không phải thời
điểm kết thúc việc học.
"Ngày hôm nay đánh dấu một nốt son trong
cuộc đời của các em, các em bước sang một trang mới, với việc tiếp tục
một cuộc sống tự lập, tự chăm lo cho chính bản thân mình. Nhưng đây
không phải là thời điểm kết thúc việc học tập.
Ngày nay việc "học
cả đời" đã gắn với tất cả những ai muốn đứng vững trong một thị trường
lao động đầy cạnh tranh của nền kinh tế tri thức, trong bối cảnh của
cuộc cách mạng 4.0 khiến cuộc sống của chúng ta xoay chuyển, thay đổi
từng ngày", thầy Bình phát biểu.
Hồi
tưởng lại 3 năm trước, khi Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ đón
lứa học sinh niên khóa 15, thầy Bình hiểu rằng việc bước chân vào trường
học là sự lựa chọn mang nhiều trăn trở của các học trò và gia đình.
"Ngay
trong buổi lễ này, các em chứng kiến sự trưởng thành của các anh, chị
mà cách đây 3 năm cũng như các em, phải đắn đo, suy nghĩ lựa chọn giữa
học trung học phổ thông hay chương trình học nghề song song với học văn
hóa. Bởi định hướng nghề nghiệp là một vấn đề hết sức quan trọng.
Chọn
cho mình một ngành học là chọn cho mình một tương lai. Khi chọn đúng
ngành nghề, đúng năng lực bản thân, các em sẽ được phát huy toàn bộ khả
năng, năng lực, sở trường, sự yêu thích của mình để phát triển sự nghiệp
ngay từ sớm và cho mai sau.
Đối với cha mẹ các em, cùng thầy giáo, cô giáo, một ngày như hôm nay cũng là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời.
Tôi chắc chắn rằng những phụ huynh
ngồi đây, giống như chúng tôi, những cán bộ, giảng viên Trường cao đẳng
nghề Kỹ thuật công nghệ đang trải qua cảm giác hạnh phúc, tự hào khi
chứng kiến những đứa con của mình, những học trò thân yêu mới ngày nào
còn rất trẻ, mà hôm nay đã trở thành tân kỹ sư, cử nhân thực hành năng
động, sáng tạo, tự tin và bản lĩnh", thầy Đặng An Bình xúc động nói.
Nguyễn
Đức Lương - tân kỹ sư, tốt nghiệp thủ khoa ngành công nghệ ô tô - chia
sẻ: "Lời dặn dò của thầy Bình về việc học cả đời khiến em tâm đắc và
thấm thía".
3 năm trước, Lương thi đỗ đại học. Tuy nhiên sau nhiều cân nhắc về điều kiện kinh tế cũng như cơ hội việc làm
sau khi ra trường, chàng trai Phú Thọ quyết định nộp hồ sơ vào Trường
cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ và trúng tuyển ngành công nghệ ô tô.
Do
tính đặc thù, ngành học của Lương thuộc nhóm các ngành, nghề đào tạo
bậc đại học, cao đẳng được hỗ trợ học phí. Mỗi học kỳ, Lương chỉ phải
đóng 5 triệu đồng tiền học.
Lương cho biết, hai thời điểm có ý
nghĩa nhất với bạn trong quá trình học tập tại trường là giai đoạn tham
gia cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia và giai đoạn thực tập tại doanh
nghiệp.
Đây là dịp để Lương được ứng dụng các bài giảng của thầy
cô vào thực tế cuộc sống, thêm hiểu biết về lĩnh vực mình theo đuổi và
thêm vững tin vào sự lựa chọn của bản thân.
Nhờ thành tích học
tập xuất sắc, Lương được nhận học bổng 100% học phí trong cả 6 kỳ học,
đồng thời được giữ lại trường làm giảng viên sau tốt nghiệp.
Tân kỹ sư bày tỏ sự háo hức và tràn đầy hứng khởi trước công việc sắp tới tại chính nơi mà anh đã được đào tạo suốt 3 năm qua.
Khóa 15 niên khóa 2021-2024 là khóa học thứ sáu của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ cùng với hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước thực hiện chương trình đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Khóa
có 1.076 học sinh, sinh viên nhập học với 13 nghề: Điện công nghiệp,
Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Cơ Điện
tử, Công nghệ Ô tô, Cắt gọt kim loại, Hàn, Quản trị mạng máy tính, Lắp
ráp sửa chữa máy tính, May thời trang, Kỹ thuật chế biến món ăn, nghề Kế
toán doanh nghiệp và nghiệp vụ Nhà hàng khách sạn.
Chương trình
Cao đẳng có thời gian học tập 2-2,5 năm với 3 khối kiến thức kỹ năng cơ
bản gồm: Kiến thức các môn học chung bắt buộc, kiến thức kỹ năng chuyên
môn theo nghề và kiến thức về kỹ năng thực tập tại doanh nghiệp.
Đối
với học sinh trung cấp, đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS, trường
phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
(GDNN-GDTX) đào tạo song song 2 chương trình: Chương trình văn hóa THPT
hệ GDTX và chương trình trung cấp.
Hiện quy mô đào tạo chương
trình văn hóa THPT hệ GDTX của trường tương đương với 1 trường THPT công
lập với số lượng 38 lớp học, 1.760 học sinh.
Hiệu trưởng Đặng An
Bình cho biết, trường chia khối lượng đào tạo nghề phù hợp trong 3 năm
học văn hóa THPT. Cụ thể, học sinh học 6 ngày/tuần, trong đó 3 ngày học
nghề và 3 ngày học văn hóa, đảm bảo không quá 6 giờ/ngày.
Khung
thời gian học tập này đã được trường thực hiện từ năm 2014, khẳng định
mô hình đào tạo 9+ là xu thế tất yếu trong giáo dục nghề nghiệp.
Hàng
năm, nhà trường đều cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho các học sinh,
sinh viên có thành tích xuất sắc và có hoàn cảnh khó khăn. Tổng học bổng
mà trường cấp cho khóa 15 là gần 900 triệu đồng.
Về kết quả thi và công nhận tốt nghiệp, toàn khóa có 624/832 học sinh, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, chiếm tỷ lệ 75%.