Thấu hiểu sâu sắc bối cảnh địa phương
Đánh
giá về các bài thi vòng sơ khảo cuộc thi hùng biện - tranh biện "Tiếng
nói xanh", ông Nguyễn Cảnh Hoàng (Trung tâm Sức khỏe Thông minh
VinUni-Illinois - Trường Đại học VinUni, thành viên ban giám khảo) cho
biết mỗi ý tưởng đều giải đáp những câu hỏi rất thực chất: vấn đề môi
trường ở địa phương mình là gì, bắt nguồn từ đâu, và ý tưởng của mình sẽ
giúp khắc phục tình trạng như thế nào.
Các
bạn trẻ còn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp gần gũi, thiết thực dựa
trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương khiến những người "cầm cân nảy
mực" đều nóng lòng muốn thấy những ý tưởng sớm được áp dụng vào thực tế.
Việc tận dụng những nguyên liệu bản địa còn được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế
và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Như ý
tưởng "Cốc luồng và ống hút tre" của đội thi trường THPT Quan Hóa
(Thanh Hóa), nhóm thí sinh đã tận dụng thế mạnh phát triển tre, luồng
của quê nhà để tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao nhưng không
kém phần thân thiện với môi trường.
Với ý tưởng "Cải tạo mô hình
kinh doanh làng nghề", các thí sinh từ Trường Trung học Vinschool The
Harmony (Hà Nội) mong muốn kết hợp du lịch xanh và di chuyển xanh vào
hoạt động của các làng nghề tại Bắc Ninh, góp phần khôi phục những nghề
thủ công đang dần mai một.
Một ý tưởng khác là "Sản xuất nón lá
tái chế từ nilon và tiêu dùng xanh vì môi trường" cũng tạo dấu ấn với
hội đồng giám khảo, khi không chỉ khắc phục thực trạng quá tải rác thải
nhựa, mà còn góp phần phát triển ngành nghề làm nón truyền thống và thêm
nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Bà
Nguyễn Linh Nga (Trung tâm Trí tuệ Môi trường - Trường Đại học VinUni,
thành viên hội đồng giám khảo) đánh giá cao mặt bằng chuyên môn của các
thí sinh.
"Các bạn đã dành thời gian nghiên cứu về các vấn đề
môi trường hiện nay, cập nhật nhanh nhạy những diễn biến về biến đổi khí
hậu trên thế giới và Việt Nam. Quy trình nghiên cứu được thực hiện khá
chuẩn xác. Các đội đều đi đúng hướng, biết phân tích số liệu và thống kê
từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, sau đó đào sâu, đúc kết và đưa ra ý
tưởng cụ thể, khả thi nhằm giải quyết vấn đề được đặt ra", bà Linh Nga
nói.
Chinh phục cuộc thi bằng ý tưởng xuất sắc
Đại
diện ban tổ chức cho biết thêm, những ý tưởng chinh phục được hội đồng
giám khảo để đi vào vòng đối đầu không mơ mộng, viển vông, mà rất thực
tế, nhìn vào những mặt còn hạn chế để đưa ra giải pháp khả thi, sáng tạo
và mang tác động lâu dài.
Lớn lên tại miền biển Nghĩa Hưng, Nam
Định, Nguyễn Mai Linh, Trường THPT A Nghĩa Hưng hàng ngày phải chứng
kiến những bãi biển ngập trong rác thải, điển hình là những đôi dép làm
từ nhựa và cao su. Mai Linh cùng Đỗ Minh Ngọc, Trường THPT Kim Liên (Hà
Nội) đã mang tới cuộc thi ý tưởng "Dép làm từ bã cà phê và sợi chuối"
với mong muốn đem đến vòng đời thứ hai cho bã cà phê, giúp các cửa hàng
đồ uống, nhà máy thực phẩm giảm được một lượng chất thải khổng lồ, đồng
thời hạn chế lượng lớn rác nhựa ra biển.
"Khi
đôi dép đã quá cũ, chúng có thể tiếp tục hồi sinh thành phân bón hữu
cơ, tiếp tục vòng đời hữu dụng. Nhóm chúng em đang hoàn thiện công đoạn
thiết kế, hy vọng có thể sớm phát triển thành dự án khởi nghiệp trong
tương lai gần", nhóm chia sẻ.
Trăn trở với vấn đề ô nhiễm môi
trường tại các khu chợ truyền thống dẫn tới nỗi lo về mất vệ sinh an
toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, Vũ Hoàng Nam Khánh
và Phan Hà An (Trường Trung học Vinschool The Harmony, Hà Nội) đã mang
đến cuộc thi sáng kiến "Khu chợ Zero Waste".
"Hầu hết các chợ đều
xây dựng từ rất lâu, nên hệ thống quy hoạch và thu gom xử lý nước thải
và chất thải xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để giải quyết
vấn đề này, chúng em mong muốn có thể tái cấu trúc các khu chợ truyền
thống thành một môi trường mua sắm lý tưởng, nơi mọi sản phẩm được bán
không cần đến bao bì dùng một lần hoặc sử dụng túi phân hủy sinh học
thay cho túi nilon thông thường", Nam Khánh và Hà An nói.
Thể thao
cũng là một trong những lĩnh vực nhận về các bài dự thi chất lượng.
Nguyễn Thị Ngọc Linh, một nữ sinh đam mê bộ môn bóng rổ tới từ Trường
THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), đã chinh phục ban giám khảo vòng sơ khảo với ý
tưởng về cách xử lý những quả bóng sau sử dụng.
Sáng kiến "Một
mầm non đâm chồi nảy lộc từ trái bóng cam" có 3 tiêu chí: tái chế, thẩm
mỹ và xanh. Ngọc Linh đang liên hệ với một số sân bóng rổ tại Vĩnh Phúc
để nhanh chóng đưa sáng kiến vào thực tế một cách hiệu quả.
"Em hy
vọng có thể sử dụng mạng xã hội để thu gom những trái bóng cũ, mở
workshop để mọi người tự tay làm những chậu cây của riêng mình và đặt
chúng tại các trường học để giúp môi trường học tập trở nên xanh, sạch
và thân thiện", Ngọc Linh cho biết.
122
ý tưởng xuất sắc vượt qua vòng sơ khảo của cuộc thi "Tiếng nói xanh" đã
tạo được dấu ấn của một sân chơi đầy tiềm năng cho thế hệ trẻ thể hiện
bản lĩnh và cất tiếng nói vì một tương lai xanh.