Đứa trẻ từ chối học thêm
Ngoài giờ học ở trường, trước đây, cô con gái của chị Trần Thu Vinh, ở Gò Vấp, TPHCM học thêm tuần 5-6 buổi.
Ngoài
2 buổi tại trung tâm ngoại ngữ, cháu học thêm vài buổi cho hai môn
toán, tiếng Việt. Hầu hết lịch học của con được xếp vào các tối trong
tuần và 1-2 buổi vào cuối tuần.
Chị
Vinh nhớ lại, năm lớp 4, vào sáng thứ 7, khi chị giục con ngưng nói
chuyện với bạn hàng xóm để học, bất ngờ thay, con phản ứng: "Con không
đi, từ nay con không đi học thêm nữa!".
"Tuần tiếp đó, trước áp
lực của bố mẹ, cháu trở lại lớp học thêm nhưng tôi nhận thấy con rất bực
bội, khó chịu, ức chế. Cháu không nói lý do, không trả lời bố mẹ vì
sao, hỏi đến là cháu gạt đi ngay", chị Vinh kể.
Gần hai tháng sau,
lựa thời điểm mối quan hệ mẹ con đang trong trạng thái "tình cảm dâng
trào", chị Vinh gợi mở về chủ đề… học thêm.
Đến lúc này, con rủ rỉ
kể về việc các bạn trong chung cư thường qua chơi, trò chuyện với con.
Cuộc chơi nào cũng phải vội vàng kết thúc hoặc con không thể tham gia vì
phải đi học thêm, kể cả ngày cuối tuần.
Đứa
trẻ khi đó mới lớp 4, hỏi mẹ một tràng với vẻ tuyệt vọng: "Tại sao con
phải học thêm? Con học thêm vì ai? Con phải học thêm đến bao giờ? Bao
giờ việc này sẽ dừng lại? Bố mẹ hỏi con không nói vì con thấy bố mẹ
không giải đáp được cho con".
Trẻ học thêm vì ai?
Sau
hôm đó, chị Vinh nghĩ mãi về những câu hỏi con đặt ra. Chị nhận thấy
mình và có thể nhiều bố mẹ đã "chơi không đẹp", lập lờ ở "cuộc chơi" mà
con bị đẩy vào làm nhân vật chính.
Trẻ học thêm là vì ai? Với
trường hợp nhà mình, chị Vinh thừa nhận, con đi học thêm chỉ là "vỏ bọc"
cho những sắp xếp, tính toán, kỳ vọng của người lớn chứ không hẳn là vì
con.
Chị từng đẩy con đến lớp học thêm tại chính nhà giáo viên
chủ nhiệm với tâm lý "để yên tâm". Còn giờ thì nào là bố mẹ không có
thời gian, không đủ kiên nhẫn chơi nên "đẩy lớp học thêm cho khỏe" hay
là kỳ vọng muốn con vào trường này trường kia.
Bố mẹ thì vậy, còn giáo viên, chị biết không ít thầy cô dạy thêm với mục đích để tăng thu nhập, không phải là vì đứa trẻ.
Đẩy
con đến lớp học thêm có thể là khi bố mẹ, thầy cô không những không bảo
vệ, hỗ trợ được trẻ mà còn dùng chúng để giải quyết bài toán của mình.
Bài toán về sự yên tâm, bài toán về thiếu thời gian, về thu nhập...
Sau
hôm đó, chị Vinh dừng việc học thêm của con với lời hứa chỉ khi nào mẹ
trả lời được các câu hỏi của con thì mới bàn luận tiếp việc về việc đi
học thêm.
Đã gần 3 năm trôi qua, người mẹ vẫn chưa có câu trả
lời. Nhưng đổi lại, không học thêm nên cháu có nhiều thời gian chơi thể
thao, đọc sách, vui chơi với bạn bè, trò chuyện cùng bố mẹ, làm việc nhà
cũng như để được ngủ đủ...
Và đặc biệt theo chị Vinh, không học
thêm, khả năng tự học của con tăng lên thấy rõ. Con buộc phải động não,
phải sáng tạo, phải nỗ lực tự học gấp nhiều lần. Con tập trung hơn, biết
hỏi bài bạn bè, hỏi thầy cô, chăm đọc sách, lên mạng tìm hiểu...
"Tôi
thấy mình đã quá dễ dãi và cả vô trách nhiệm khi đẩy con đến lớp học
thêm từ bé, cũng chưa bao giờ thật sự nghiêm túc trả lời sao con phải
học thêm. Và thực tế những năm qua, cháu ổn hơn nhờ bớt được việc học
thêm", người mẹ bày tỏ.
Quan điểm của chị Vinh, việc học thật ra
không nặng mà "nặng" ở chỗ nhiều đứa trẻ không thấy được động lực, ý
nghĩa, giá trị, niềm vui, khát khao từ cách mình đang học. Chúng đang
học vì người lớn, học để đáp ứng cho những nhu cầu của người khác hơn
cho chính bản thân.
Chưa kể, việc đẩy trẻ đến lớp học thêm khi không cần thiết còn tước đi quá nhiều thứ của trẻ từ thời gian, sức khỏe, trí tưởng tượng, sự sáng tạo, khả năng tự học, nhu cầu được gắn kết, được vui chơi, được lao động…
Trong tọa đàm tại một trường học ở TPHCM, sau khi mô tả thời khóa biểu của nhiều đứa trẻ "học rồi lại đi học thêm", một người mẹ đã thốt lên: "Học thế này sao các con chúng ta có thể trở thành người bình thường?".
Câu hỏi này cũng như câu hỏi của con gái chị Vinh: "Trẻ học thêm vì ai?" dành cho tất cả.