Ngày
mai (5/6), hơn 98.600 thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi vào lớp 10 tại
TPHCM năm học 2024-2025. Nhiều giáo viên đã chia sẻ bí quyết làm bài thi
giúp thí sinh đạt điểm cao.
Môn ngữ văn: Làm 10 trang giấy không đúng phương pháp vẫn điểm thấp
Thầy
giáo Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), nhấn
mạnh tới thí sinh về kỹ năng, phương pháp làm bài thay vì cố tập trung
viết cho dài.
Ông Bảo chỉ ra một quan điểm sai lầm mà nhiều thí
sinh mắc phải là viết rất dài. Nhiều bạn khoe viết tới 10-15 trang nhưng
theo giáo viên này, điều đó không quan trọng bằng làm đúng phương pháp.
"Kỳ thi tuyển sinh
lớp 10 không phải thi để chọn học sinh giỏi mà dành cho tất cả học
sinh. Xưa nay nhiều người thường hướng dẫn học sinh ráng viết mở bài cho
hay để đầu xuôi đuôi lọt hoặc chỉ tập trung vào một số câu văn hay,
mượt mà, viết cho dài… để gây ấn tượng với cán bộ chấm thi, đây là điều
chưa đúng.
Cán
bộ chấm thi sẽ chấm theo thang điểm, trong đó, tập trung vào năng lực,
kỹ năng, phương pháp làm bài. Khi học sinh nắm vững những điều trên rồi
mới chú trọng tới việc viết hay, mượt mà, liên hệ mở rộng bởi điểm cộng
cho kỹ năng này không quá nhiều", thầy giáo Võ Kim Bảo bày tỏ.
Đặc
biệt, nam giáo viên lưu ý thí sinh việc viết chữ rõ ràng, sạch đẹp. Ông
lý giải, ở môn ngữ văn, cán bộ chấm thi sẽ phải đọc rất nhiều, vì thế,
việc viết đẹp sẽ là lợi thế "ăn điểm" cho thí sinh dễ dàng hơn.
Một lưu ý khác là những phần dễ ghi điểm chính là ở những câu đọc hiểu bởi chỉ cần viết 1-5 dòng có thể đạt ngay 1 điểm.
Với
những bạn viết chữ không đẹp cũng lưu ý cố gắng rèn luyện, cẩn thận
hơn, nhất là ở phần làm văn, câu văn đầu tiên của mỗi đoạn là câu chủ đề
cần chú trọng, viết chữ đẹp.
Ông nhấn mạnh học sinh không đoán đề, học tủ, học vẹt bởi việc này không giúp ích được với cách ra đề của TPHCM.
"Tổng
bài thi 10 điểm thì 8 điểm là kỹ năng làm bài nên "thắng bại tại kỹ
năng", dù có đoán trúng đề mà làm không tốt cũng không thể đạt điểm cao.
Do đó, các em cần rèn kỹ năng lực, kỹ năng thực tế, có phương pháp làm
bài", ông Bảo nhắc nhở.
Môn tiếng Anh: Không nặng nề kiến thức ngữ pháp
Cô
giáo Phạm Thị Xuân Oanh, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám
(quận Bình Thạnh), chia sẻ những năm gần đây, đề thi tuyển sinh lớp 10
môn tiếng Anh của TPHCM tập trung vào kỹ năng ứng dụng thực tế nhiều hơn
kiểm tra ngữ pháp. Do đó, học sinh cần có vốn từ vựng tốt, bám sát vào
các từ vựng trong sách giáo khoa, đặc biệt là lớp 9.
Khi học từ vựng, học sinh cần học theo chủ đề để các từ vựng được kết nối, đi theo một nhóm từ.
"Quá
trình chấm thi cho thấy nhiều thí sinh viết sai từ vựng một cách đáng
tiếc. Do đó, khi học từ vựng, các em nên viết ra thay vì chỉ nhớ trong
đầu", cô Xuân Oanh nói.
Ngoài ra, nữ giáo viên lưu ý thí sinh nên
xác định rõ mục tiêu, nguyện vọng của mình, đừng quá tập trung vào luyện
đề, không sa đà vào đề chuyên nếu không thi chuyên bởi sẽ dễ bị lạc vào
dạng đề khác.
Bà Xuân Oanh cũng đề cập đến vấn đề chữ viết có thể ảnh hưởng tới kết quả thi của thí sinh.
"Môn
tiếng Anh chữ viết không yêu cầu phải văn hoa quá đẹp, thí sinh chỉ cần
viết đơn và dễ nhìn. Có những em bị trừ điểm rất đáng tiếc khi chữ
xấu", giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám nói.
Ngoài ra, cô giáo Phạm
Thị Xuân Oanh nhấn mạnh thí sinh cần tự tin nhưng không chủ quan, cần
cẩn thận khi làm bài thi. Thí sinh nên ghi chú những câu mình chưa làm
hoặc còn băn khoăn để khi làm bài xong sẽ quay trở lại, tuyệt đối không
bỏ sót bất cứ câu nào.
Môn toán: Cần ôn thi theo chủ đề
Thầy
giáo Đặng Hữu Trí, giảng dạy môn toán, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1),
cho hay đề thi môn toán thường có cấu trúc 8 câu, trong đó, 2 câu đầu là
kiến thức cơ bản, 5 câu tiếp theo là bài toán thực tế, câu cuối là hình
học phẳng.
Ông khuyên thí sinh cần hệ thống lại kiến thức và ôn
thi theo chủ đề. Ông chỉ ra sai lầm khi nhiều em chỉ chăm chăm giải đề
mà không hệ thống lại kiến thức sẽ khó đạt kết quả cao.
Thầy giáo lưu ý phụ huynh
cần động viên tinh thần của con để đảm bảo vững vàng, tự tin trong tất
cả môn thi. Ông cho hay thí sinh không nên thi xong môn nào là kiểm tra
đáp án ngay, điều này tránh cho các em bị áp lực nếu môn thi trước đó
làm bài không tốt.
Ông lưu ý, trong quá trình làm bài, thí sinh nên nháp trên giấy để nhớ mình đã làm gì, khi cần phúc khảo có dữ liệu để cân nhắc.
Các
giáo viên cũng đều lưu ý thí sinh bố trí thời gian phù hợp, có thể mang
theo đồng hồ để theo dõi. Đề thi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ tới khó
nên thí sinh không nên đảo thứ tự làm bài để tránh phân bố không đúng
thời gian