Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ phân loại tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo theo hạng từ I đến III, thay vào đó quy định chung.
Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của các thông tư số 01, 02, 03, 04 năm 2021
về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên
mầm non, phổ thông, trong đó bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo ở
từng chức danh nghề nghiệp.
Theo chùm thông tư
01-04, giáo viên mầm non, phổ thông được chia thành ba hạng chức danh
nghề nghiệp là I, II và III. Ở mỗi hạng, ngoài quy định về nhiệm vụ,
tiêu chuẩn chuyên môn, Bộ quy định cả về tiêu chuẩn đạo đức.
Ví
dụ giáo viên mầm non hạng III phải đạt các tiêu chuẩn: yêu nghề, thương
yêu trẻ em, kiên nhẫn, biết kiểm soát cảm xúc, có tinh thần trách
nhiệm; gương mẫu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ...
Giáo viên hạng II phải đạt các tiêu chuẩn trên kèm theo việc phải luôn
gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Giáo viên hạng I
có thêm yêu cầu vận động, hỗ trợ đồng nghiệp làm tốt các quy định.
Tuy
nhiên, cách phân chia này bị đánh giá là không phù hợp. Nhiều ý kiến
cho rằng mọi giáo viên đều phải đạt tiêu chuẩn chung về đạo đức, không
nên tách ra để xếp theo từng loại.
Thời điểm đó, Bộ
Giáo dục và Đào tạo lý giải đây không phải là "phân hạng đạo đức".
Thông tư nhằm yêu cầu giáo viên ở hạng khác nhau đáp ứng ở mức độ khác
nhau về tính gương mẫu, tác động lan tỏa, ảnh hưởng tới đồng nghiệp.
Dù
vậy, Bộ vẫn xem xét các góp ý và đi đến bỏ tiêu chuẩn đạo đức nghề
nghiệp ở từng hạng, đồng thời bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp
chung.
Ngoài ra, thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào
tạo còn bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp theo hạng. Giáo viên chỉ cần một
chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chung thay vì các chứng chỉ từng
hạng, tương ứng với từng cấp học đang giảng dạy.
Ví
dụ, giáo viên mầm non hạng III không cần phải có chứng chỉ chức danh
nghề nghiệp giáo viên hạng III nữa mà chỉ cần chứng chỉ bồi dưỡng chung
cho giáo viên mầm non.
Thông tư ban hành năm 2021
yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ trở lên
nhưng thông tư mới đã bỏ. Giáo viên chỉ cần có bằng cử nhân trở lên.
Hiện,
giáo viên mầm non và phổ thông được chia thành ba hạng là I, II và III,
trong đó hạng I cao nhất. Ở mỗi hạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra
những quy định về nhiệm vụ và chuyên môn riêng. Việc xếp hạng là căn cứ
để xếp lương.
Theo đó, giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89; hạng II có hệ số từ 2,34 đến 4,98; hạng I từ 4 đến 6,38.
Hệ số lương của giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng III từ 2,34 đến 4,98; hạng II từ 4 đến 6,38; hạng I từ 4,4 đến 6,78.
Với
lương cơ sở 1,49 triệu đồng một tháng hiện nay, giáo viên hưởng lương
từ hơn 3,1 đến 10,1 triệu đồng. Từ 1/7, khi tiền lương cơ sở tăng lên
1,8 triệu, mức này là từ gần 3,8 đến 12,2 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài
tiền lương, giáo viên hưởng thêm phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công
tác, mỗi năm cộng thêm 1%), phụ cấp ưu đãi nghề (từ 30 - 50%). Riêng với
giáo viên mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi
lên mức 70-100% vào 1/7, cùng thời điểm với tăng lương cơ sở