"Thưa
các thầy cô, các em học sinh và các bạn, cá nhân tôi chỉ sử dụng trang
Facebook này (đã được xác thực, có tích xanh). Tôi không sử dụng thêm
bất cứ tài khoản mạng xã hội Facebook nào khác.
Do
đó mọi tài khoản khác (dù có thể với tên và hình ảnh của tôi) trên
Facebook đều không phải là tôi và có thể là mạo danh với mục đích không
tốt", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trên trang cá nhân chính thức về
việc mình bị giả mạo Facebook.
Được biết trước đó, ngày 28/2, trên Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Tài
khoản giả mạo sử dụng tên và hình ảnh của Bộ trưởng, gửi thông tin đến
nhiều người trong danh sách bạn bè, nhờ vả với mục đích xấu. Ngày 29/2,
trang thông tin giả mạo trên đây đã được xóa bỏ.
Thời gian gần đây, tình trạng giả mạo tài khoản Facebook diễn ra khá phổ biến và nạn nhân thường là những người nổi tiếng.
Mục
đích của kẻ xấu nhằm lợi dụng danh tiếng của "nạn nhân" để quảng cáo,
bán hàng, lừa đảo nạp thẻ, chiếm đoạt tài sản hay tệ hơn nữa là bôi nhọ,
vu khống người khác…
Tháng 10/2020, một nhóm tội phạm người Việt
bị phát hiện đã lấy hình ảnh của người nổi tiếng và người ở nước ngoài,
từ đó lập facebook, Zalo, Viber ảo, lừa bán hàng và chiếm đoạt số tiền
16 tỉ đồng.
Hoặc một chiêu trò lừa đảo để lấy cắp tài khoản
Facebook "nở rộ" tại Việt Nam gần đây là thông báo cập nhật từ Facebook,
cho biết tài khoản của họ được gắn thẻ trong một bài viết của một người
nào đó, dù hai người không kết bạn với nhau trên Facebook.
Nhiều
người sẽ lập tức mở thông báo để xem nội dung được thông báo trên, đồng
thời họ bị dẫn dụ đến các đường link khiến thông tin tài khoản bị đánh
cắp.
Luật pháp Việt Nam quy định việc mạo danh, giả danh cá nhân,
tổ chức để lừa đảo hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính là
hành vi bị pháp luật ngăn cấm, đồng thời sẽ có chế tài xử lý nghiêm.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nhiều đối tượng lừa đảo rất tinh vi.
Ngoài
việc lập các tài khoản ảo, giống hệt trang cá nhân chính thức, các đối
tượng xấu dùng các thủ đoạn khác để hack và kiểm soát trang cá nhân nhằm
lừa đảo.
"Các vi rút thường được đối tượng xấu gửi kèm hình ảnh
hoặc đường link. Do đó khi thấy người lạ gửi thông tin, tốt nhất chúng
ta không bấm vào", ông Hải đưa ra lời khuyên.
Một số chuyên gia
bảo mật cho biết, người dùng Facebook trên máy tính cần tuyệt đối cảnh
giác khi nhận tệp tin có đuôi ".rar" hoặc ".zip", được gửi từ những tài
khoản lạ.
Báo cáo từ Cục An toàn thông tin cho biết trong 6 tháng
đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78%
so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 6
tháng cuối năm 2022.
Hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm
giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Tổng cộng, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt
Nam.