Làm việc với tỉnh Bạc Liêu về lĩnh vực giáo dục
và đào tạo (GD&ĐT) chiều 12/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim
Sơn cho rằng, Bạc Liêu là một trong những tỉnh còn khó khăn về kinh tế,
tài chính nhưng về mặt giáo dục mấy năm qua, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng
mừng.
"Từ 2018 đến 2021, kết quả thi THPT của Bạc Liêu luôn đứng
trong nhóm 10 địa phương tốt nhất cả nước; giáo dục mũi nhọn so với
trong vùng ĐBSCL cũng đáng khích lệ; còn khó khăn nhưng ưu tiên đầu tư
cho chương trình giáo dục phổ thông mới; lực lượng giáo viên được chăm
lo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn kịp thời;….", Bộ trưởng Sơn nêu.
Tiếp
đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nêu những hạn chế, khó khăn mà ngành
giáo dục của tỉnh còn vướng hiện nay, cho biết số trường có quy mô nhỏ
còn khá nhiều, nhất là cấp mầm non; cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc
gia hầu hết chưa đáp ứng với tiêu chuẩn mới; gặp một số khó khăn khi
triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới;…
"Đội
ngũ giáo viên còn thiếu nhưng còn phải giảm biên chế theo lộ trình, đây
là điều rất bất cập", bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc
Liêu nói.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ
GD&ĐT đã giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu về
kiểm định chất lượng giáo dục, thi học sinh giỏi, ứng dụng công nghệ
thông tin, quản lý dạy thêm học thêm…
Chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh
Bạc Liêu, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chúng ta chuẩn bị
tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Do đó, đề
nghị tỉnh vừa đánh giá cái được, chưa được, đồng thời tăng cường kiến
nghị chính sách làm tiền đề chuẩn bị cho những nghị quyết tiếp theo để phát triển giáo dục.
"Nhiều
tỉnh nghĩ rằng chủ yếu tổng kết báo cáo làm được gì, còn chưa làm được
thì nói ít, tưởng thế là ủng hộ ngành giáo dục. Như thế chưa phải, mà
chúng ta cần thấy cái gì còn vướng thì cần kiến nghị mạnh mẽ", Bộ trưởng
Sơn mong muốn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm nay kỳ thi
tốt nghiệp THPT diễn ra sớm hơn, đề nghị tỉnh chuẩn bị tốt. Về cơ bản
phương thức thi giống như năm trước, có điều chỉnh là hoạt động đăng ký
thi, xét tuyển đại học thực hiện trực tuyến 100%, đây cũng là một trong
những đột phá của ngành.
Chuẩn bị cho năm học mới
2023-2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh cố gắng tập trung ưu
tiên nguồn ngân sách, tăng cường đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị
theo yêu cầu chương trình giáo dục mới.
"Thiếu giáo viên là tình
hình chung của cả nước. Với một số môn học như ngoại ngữ, tin học, trước
mắt tỉnh cần có cách giải pháp huy động giáo viên vừa đảm bảo đủ số
lượng, vừa hỗ trợ, tập huấn để đảm nhiệm cho việc giảng dạy", Bộ trưởng
Sơn yêu cầu.
Bộ trưởng GD&ĐT lưu ý, trong hoạt động chuyên
môn, xu hướng đổi mới là thực hiện đầy đủ quyền tự chủ của các cơ sở
giáo dục và giáo viên. Nếu chúng ta thực hiện không tốt sẽ hạn chế phần
nào yếu tố tích cực của chương trình mới.
Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu cần quan tâm công tác phụ huynh
vận, bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sự đồng thuận của phụ huynh đối
với chương trình giáo dục phổ thông mới là rất quan trọng.
"Chương
trình mới đổi mới rất sâu, nếu chúng ta không vận động phụ huynh đồng
hành cùng thì họ là lực lượng phản biện bất đắc dĩ, họ không hiểu thì có
rất nhiều cảm xúc. Trong thời đại mạng xã hội, các loại cảm xúc đưa lên
sẽ tạo những dòng cảm xúc lớn hơn. Việc phụ huynh không hiểu con học gì
thì hoang mang lắm.
Do đó, chúng ta không phải cứ họp phụ huynh
để phổ biến chế độ chính sách, mà để giải thích cho phụ huynh các nội
dung chuyên môn để họ cùng chia sẻ, đồng hành với nhà trường", Bộ trưởng
Sơn lưu ý