Trang bị các kỹ năng hữu dụng
Dù
chưa chính thức tốt nghiệp, Trần Mạch Sở Hân đã có công việc kỹ sư phần
mềm toàn thời gian tại một công ty công nghệ thông tin (CNTT) đa quốc
gia từ 10 tháng trước.
Trong thời gian học RMIT, Hân từng thực tập
tại một công ty trực thuộc tập đoàn Bosch và tham gia điều phối các
buổi trải nghiệm lập trình. Hân cũng làm tình nguyện viên cho nhiều sự
kiện của trường và từng là chủ nhiệm một câu lạc bộ dành cho sinh viên
đam mê công nghệ.
Những kỹ năng cứng và mềm mà Hân trau dồi được
trong quá trình đó đã giúp cô tự tin hơn khi ứng tuyển vào công ty hiện
tại. Trong khoảng thời gian tìm việc, Hân cũng sử dụng công cụ đánh giá
CV tự động và các buổi tư vấn CV cá nhân do nhà trường cung cấp.
"Mình
tham gia thực tập tương đương như thử việc trong ba tháng tại công ty
hiện tại trước khi trở thành nhân viên chính thức. Trong thời gian thực
tập, mình được phép vừa học vừa làm. Với kinh nghiệm quản lý thời gian
khi chạy deadline ở trường cùng sự hỗ trợ của cấp trên, mình đã hoàn
thành công việc tốt", Hân cho biết.
Theo
khảo sát của RMIT năm 2023, ngành học của Hân, kỹ sư (Kỹ thuật Phần
mềm), ghi nhận tỷ lệ sinh viên có việc làm toàn thời gian trong vòng 3-4
tháng sau khi hoàn thành chương trình học là 100%.
Hân cho biết
trong quá trình làm việc, cô đã vận dụng nhiều những kỹ năng học ở
trường như nghiên cứu và đọc hiểu văn bản. Tư duy chủ động đặt câu hỏi
và tìm kiếm sự giúp đỡ cũng được phát huy từ lúc phỏng vấn đến khi đi
làm.
"Tư duy đó được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng và hội thảo tại trường, nên mình luôn khắc cốt ghi tâm", Hân nói.
Trau dồi kinh nghiệm đa dạng
Tốt
nghiệp loại giỏi ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Phạm Ngọc Bích
Phương cũng sớm tìm được công việc phù hợp với ngành học.
Đầu năm
nay, cô gái Hà Nội đã quyết định Nam tiến và đầu quân cho Marriott
International (công ty quản lý nhiều thương hiệu chuỗi khách sạn quốc
tế) với vị trí chuyên viên Quản lý doanh thu.
Theo Phương, bên
cạnh các chuyến đi thực địa ở trường thì kinh nghiệm thực tập, trao đổi
sinh viên sang Australia và tham gia các cuộc thi đã giúp cô cảm thấy tự
tin hơn khi đi tìm việc.
Được sự khuyến khích của thầy cô, Phương
và đồng đội từng thi và giành giải nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương
tại một cuộc thi về nghiên cứu thị trường ngành du lịch - khách sạn. Đây
là nền tảng để Phương quyết định thi lấy hai chứng chỉ quốc tế về phân
tích dữ liệu trong ngành này.
"Quản lý doanh thu là một chuyên
ngành nhánh trong lĩnh vực khách sạn, nên rất được đào tạo chuyên sâu
tại các trường đại học. Các chứng chỉ trên đã cho mình lợi thế cạnh
tranh khi ứng tuyển công việc hiện tại", Phương cho biết.
Trong
quá trình học đại học, Phương từng thực tập ở tập đoàn Sun Group, Hiệp
hội Nhà hàng Việt Nam và khách sạn W Melbourne ở Australia.
Phương
chia sẻ: "Thời gian trao đổi sinh viên ở thành phố Melbourne là điểm
nhấn trong quá trình phát triển của mình. Mình có cơ hội sống độc lập và
tích lũy kinh nghiệm làm việc quốc tế. Điều này hỗ trợ mình trong quá
trình tìm việc làm toàn thời gian".
Nuôi dưỡng thái độ tích cực và tư duy cầu tiến
Đối
với tân khoa ngành Truyền thông chuyên nghiệp Nguyễn Hoàng Sơn, quyết
định đi trao đổi sinh viên ở Đại học RMIT tại Australia cũng là một bước
ngoặt, bởi trong thời gian này cậu đã tìm được vị trí toàn thời gian
làm chuyên viên Quan hệ khách hàng tại công ty kiểm toán Deloitte.
Đam
mê nghề MC từ khi học cấp 3, Sơn từng làm thêm ở một số đài phát thanh,
đài truyền hình khi học đại học. Cậu là người sáng lập câu lạc bộ Diễn
thuyết trước công chúng của RMIT ở Hà Nội và từng làm MC cho nhiều sự
kiện trong và ngoài trường.
"Khi tham dự những buổi phỏng vấn xin
việc ở Australia, mình tự đặt câu hỏi làm sao để được chọn, để qua thử
việc và gắn bó lâu dài với công việc mình thích. Sau khi đi làm bán thời
gian ở nhiều môi trường khác nhau, mình nhận ra chỉ có thái độ của bản
thân, sự tự tin và đam mê mới tạo nên sự khác biệt. Ai cũng sẽ muốn làm
việc cùng với một người cầu thị, chuyên nghiệp, đam mê học hỏi, không
ngại sai, không ngại vất vả và yêu thích công việc".
Khi
được hỏi có lời nhắn nhủ gì với các bạn trẻ mới đi làm, Sơn nói: "Mình
từng được giao nhiều công việc quan trọng khi cho cấp trên thấy mình rất
nhiệt huyết với công việc đó. Mình tin rằng sếp của bạn cũng sẽ giao
công việc theo đúng thế mạnh của nhân viên. Vậy tại sao không mạnh dạn
đề xuất làm những việc mà bạn giỏi? Đừng sợ sai, sợ ngại. Mình nhận ra
nếu càng ngại là càng thiệt, mất đi cơ hội của mình.
Cuối cùng,
hãy dành thời gian để giao lưu kết nối với đồng nghiệp, những mối quan
hệ mà bạn nghĩ sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp và mới mẻ trong sự nghiệp
cũng như cuộc sống - bởi ngoài kia nhiều người tốt, nhiệt tình và sẵn
sàng giúp bạn", Sơn chia sẻ.