Để tái sử dụng sách cũ, sau khi kết thúc năm học, nhiều nhà trường đã kêu gọi phụ huynh, học sinh tặng lại sách cũ...
|
Học sinh tham gia đọc sách tại thư viện Trường Phổ thông DTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh: NTCC |
Cùng với đó, nhân viên thư viện rà soát, đóng gói kỹ càng để bảo quản trước khi nghỉ hè.
Tận dụng tối đa sách cũ
Tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây
(Khánh Hòa), sách được ví như “báu vật” của thầy và trò nên mỗi cuốn
luôn được nâng niu, gìn giữ. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cho biết: “Trường
nằm trên đảo, quá trình nước biển bốc hơi dẫn đến oxy hóa, khiến sách
hỏng rất nhanh. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhở học sinh khi sử dụng phải
biết gìn giữ, cẩn thận”.
Thầy Phú chia sẻ: “Những ngày đài báo
sắp có bão, điều đầu tiên những thầy giáo của trường nghĩ đến là thư
viện. Vì vậy, trước khi bão đổ bộ, sách và các thiết bị giảng dạy sẽ
được gói bọc cẩn thận để lên giá, cửa sổ, cửa chính đóng chắc then cài.
Thỉnh thoảng thầy cô lại lên thư viện kiểm tra để đảm bảo không bỏ sót
điều gì…”.
Sau mỗi năm học kết thúc, thầy trò cùng
ngồi lại lật từng trang sách kiểm tra, trang nào bị nhăn, nhàu, gấp nếp
sẽ được vuốt lại. Thậm chí, ở một số cuốn sách hỏng, nếu trang nào còn
nguyên, thầy trò sẽ cắt và giữ lại để khi cuốn khác hỏng trang sẽ tận
dụng dán vào. Sau khi gia cố, kiểm đếm, thầy trò cùng gói sách trong túi
nilon để tránh bị oxy hóa.
Do sách báo dễ bị bụi bẩn, mối mọt nên
vấn đề bảo quản sách được Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ)
hết sức quan tâm. Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng, cho biết: “Hàng năm,
sách, các thiết bị và đồ dùng giảng dạy được nhà trường quan tâm đầu
tư, bảo dưỡng; Chỉ đạo cán bộ thư viện sắp xếp SGK một cách ngăn nắp,
theo thứ tự dễ tìm. Thủ thư cũng phải chịu trách nhiệm bảo quản, theo
dõi tình hình mượn trả sách... sát sao.
Cuốn sách nếu thiếu đi 1 trang hay một
nội dung, vấn đề do rách nát… thì cũng mất đi sự nguyên vẹn, bị đứt
đoạn. Do đó, nhà trường chỉ đạo cán bộ thư viện thường xuyên nhắc nhở
học sinh bảo quản, giữ gìn kỹ lưỡng, giúp các em hiểu tầm quan trọng của
việc làm này”.
Tương tự, tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu
học & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), trong buổi họp phụ
huynh cuối năm học, nhà trường chủ động xin phụ huynh sách cũ để bảo lưu
tại thư viện. Đầu năm học mới học sinh có thể mượn thay vì mua sách
mới.
Thầy Triệu Quốc Hưng, Hiệu trưởng nhà
trường, cho biết: “Khi nhận những bộ sách giáo khoa cũ được tặng từ phụ
huynh, học sinh, chúng tôi yêu cầu cán bộ thư viện phân loại, kiểm tra,
gói, bọc cẩn thận. Thời gian nghỉ hè cũng là mùa mưa, trước lúc nghỉ
chúng tôi kiểm tra lại mái nhà, cố định cửa sổ, cửa chính, kê cao sách
vở để tránh nước mưa làm hỏng. Dù nghỉ hè, nhà trường vẫn mở cửa đón học
sinh vào đọc sách”.
|
Ảnh minh họa.
|
Giải quyết “bài toán” thiếu sách
Ngoài xây dựng kế hoạch hè, các trường
học cũng chủ động với công tác trang bị, hỗ trợ cho học sinh khó khăn
vào năm học tới. Thầy Hồ Văn Ngàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS
Trường Lạc (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Cuối năm học, nhà trường chỉ đạo
cán bộ quản lý thư viện phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức vận
động quyên góp SGK cũ của học sinh các khối lớp về thư viện để tặng học
sinh khối sau. Nhờ vậy, trường đã giải quyết tốt bài toán thiếu sách
giáo khoa đầu năm học cho học sinh hoàn cảnh khó khăn”.
Ngoài số sách cũ huy động được, trước
thềm năm học mới, Trường Tiểu học và THCS Trường Lạc sẽ cũng trang bị
thêm một số bộ sách mới, sách tham khảo. Đây là nguồn tài liệu quý giá
để học sinh, giáo viên tham khảo trong quá trình học. Cùng đó, trường
chỉ đạo cán bộ thư viện thống kê, rà soát thực trạng sách tại thư viện
và kịp thời báo cáo thực tế. Cán bộ thư viện phối hợp giáo viên chủ
nhiệm tăng cường tuyên truyền, vận động và thu lại sách cũ để học sinh
mượn sử dụng.
“Để kịp thời hỗ trợ học sinh khó khăn,
nhà trường còn chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp phụ huynh rà soát và
báo cáo việc trang bị để có giải pháp hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa
đầu năm học”, thầy Ngàng chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Thu Cúc, cán bộ thư viện
Trường Tiểu học Tràm Chim 2, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), vào cuối năm
học, thư viện sẽ xây dựng kế hoạch quyên góp SGK cũ, phối hợp giáo viên
chủ nhiệm tuyên truyền đến các lớp và thu gom vào dịp hè. “Đầu năm học
mới, giáo viên chủ nhiệm thống kê danh sách học sinh khó khăn có nhu cầu
mượn sách, từ đó, thư viện căn cứ vào số lượng yêu cầu để hỗ trợ học
sinh”, cô Cúc thông tin.
Cuối năm học, thư viện sẽ tham mưu ban
giám hiệu thành lập ban kiểm kê để thực hiện kiểm kê, thẩm định và đánh
giá tình trạng sách, thiết bị tại thư viện từ đó đánh giá thực trạng
sách. “Nếu sách quá cũ, không sử dụng được, nhà trường lập biên bản đề
nghị thanh lý để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tham mưu lãnh đạo nhà
trường bổ sung, cấp trang thiết bị, sách mới vào mỗi đầu năm học”, cô
Cúc cho hay