Thông tin tóm tắt về quy mô, nhu cầu nguồn lực để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3-5 tuổi, Bộ GD&ĐT cho biết cả nước thiếu 55.416 biên chế giáo viên mầm non tới năm 2030.
Hiện
tổng biên chế còn đến năm 2026 là 54.935 chỉ tiêu. Tuy nhiên việc tuyển
dụng giáo viên mầm non tại nhiều địa phương rất khó khăn. Nhiều giáo
viên bỏ việc do áp lực công việc lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập
thấp.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, số liệu phòng học
thiếu đến năm 2030 là 39.018 phòng. Nhu cầu kinh phí dự báo cần 32.126
tỷ đồng, tức bình quân gần 6.500 tỷ đồng mỗi năm.
Để
có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu về
nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, Bộ
GD&ĐT đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Phổ cập giáo
dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi.
Dự thảo Nghị quyết có quy định cơ chế, chính sách
để đảm bảo các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu
giáo như chính sách cho đối tượng trẻ em yếu thế; chính sách, cơ chế
cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; cơ chế chính sách để đầu
tư cho vùng khó khăn và xã hội hóa, khuyến khích phát triển giáo viên
mầm non ngoài công lập…
Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết vào kỳ họp tháng 10/2024.
Bên
cạnh Nghị quyết về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi,
Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục mầm non
mới thay thế cho chương trình hiện hành đã triển khai từ năm 2009 tới
nay.
Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai thí điểm trong 3 năm
học 2025-2026, 2026- 2027 và 2027-2028, ban hành và triển khai đại trà
vào năm học 2029-2030.
Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê,
đến năm 2030, chỉ có 7/63 tỉnh tăng dân số trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi
(trên 176.000 trẻ), các tỉnh còn lại đều có xu hướng giảm.
Dự báo
quy mô trường, lớp mẫu giáo đến năm 2030 có xu hướng giảm chung do dân
số giảm, ngoại trừ việc tăng cục bộ tại một số địa phương.