Lo lắng không nuôi được con học chuyên khi học phí tăng
Con
gái chị Mai đang học lớp 9. Kỳ thi lớp 10 năm nay, con chị Mai dự định
thi chuyên văn Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT Chuyên
Đại học sư phạm.
"Tuy nhiên, ra Hà Nội học ở chuyên Sư phạm mới là ước mơ của con", chị Mai chia sẻ.
Theo
lời chị Mai, ra Hà Nội học chuyên là truyền thống trong họ nhà chị. Con
gái chị nhìn các anh chị đỗ chuyên ở Hà Nội rất ngưỡng mộ và ước mơ
mình cũng được như vậy.
Song, việc trường chuyên Sư phạm tăng học phí lên 5 lần, từ 300.000 đồng lên 1,6 triệu đồng, khiến chị trăn trở cả tháng nay.
"Với một ngôi trường danh tiếng như trường chuyên Sư phạm, học phí có lên 2-3 triệu đồng/tháng cũng xứng đáng.
Tôi nghĩ mức học phí ấy nằm trong khả năng chi trả của số đông phụ huynh Hà Nội. Bình thường nuôi một đứa con học công lập cấp 1, 2, tiền học hàng tháng của con không dưới 2 triệu đồng được.
Tuy
nhiên với phụ huynh ở tỉnh như tôi, mức học phí đó là gánh nặng. Các
con ra Hà Nội học không chỉ có tiền học phí mà còn tiền học tăng cường,
học thêm tiếng Anh, tiền ăn uống, sinh hoạt, thuê trọ...
Như kinh nghiệm của các cô bác trong họ, những khoản này không dưới 4 triệu đồng/tháng.
Như
vậy, với mức học phí mới, mỗi tháng tôi phải lo được cho con khoảng 6
triệu đồng. Thu nhập của hai vợ chồng tôi chỉ khoảng 20 triệu, còn con
nhỏ.
Con gái nói con vẫn quyết tâm ôn thi để giành được học bổng.
Nhưng trong trường hợp con không đỗ học bổng, tôi sẽ phải cân nhắc xem
có nuôi được con không. Nếu cháu đỗ mà không cho cháu học thì rất tội",
chị Mai tâm sự.
Là một phụ huynh ở Hà Nội, chị Trịnh Thu Thảo cho
biết sẽ lựa chọn trường có học phí thấp hơn để học nếu con đỗ nhiều
trường chuyên.
"Mức học phí mới của trường chuyên ngữ hay chuyên
sư phạm dù tăng gấp 5 lần nhưng không có gì là cao, nếu so với mặt bằng
chung tại Hà Nội.
Tuy nhiên, rõ ràng đây sẽ là một hạn chế của
trường trong việc thu hút học sinh giỏi, đỗ nhiều chuyên, vì phụ huynh
sẽ chọn các trường mà học phí chưa tăng như chuyên khoa học tự nhiên hay
chuyên Ams.
Tôi có hai con. Con lớn từng học chuyên Sư phạm. Con
nhỏ năm nay cũng thi các trường chuyên tại Hà Nội. Nếu con may mắn trúng
tuyển nhiều trường, tôi sẽ chọn các trường chưa tăng học phí", chị Thảo
nói.
Chị Thảo cũng cho biết thêm, ngoài lịch học chính khóa, học
sinh chuyên còn học chuyên đề. Trung bình mỗi tháng, tiền học chuyên đề
khoảng 1,6 triệu đồng. Khi học phí mới được áp dụng, tổng tiền học sẽ
lên khoảng 3,2-3,4 triệu đồng/tháng.
"Với những học sinh chỉ có lựa chọn học chuyên duy nhất, tôi cho rằng đây vẫn là mức học phí hấp dẫn", chị Thảo nhận định.
Trường chuyên ưu tiên dành chỗ ở KTX cho học sinh ngoại tỉnh
TS
Nguyễn Phú Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - cho biết:
Học sinh chuyên ngữ ngoại tỉnh được ưu tiên chỗ ở trong ký túc xá (KTX)
cạnh trường nếu có nhu cầu. Việc ở KTX thuận tiện cho đi lại, học tập
và tiết kiệm chi phí cho gia đình học sinh.
Chi phí ở kí túc xá
trường chuyên ngữ khoảng 300.000 đồng/tháng/học sinh phòng 8 người,
khoảng 500.000 đồng/tháng/học sinh phòng 6 người. Tất cả các phòng đều
khép kín, trang bị cơ sở vật chất với những tiện nghi cơ bản, có điều
hòa nhiệt độ.
Trường chuyên Sư phạm cũng áp dụng chính sách ưu tiên chỗ ở KTX cho học sinh ngoại tỉnh của trường.
Tăng học phí là bài toán tồn tại của trường chuyên
Năm
học 2024-2025, hai trường chuyên đầu tiên thông báo tăng học phí là
Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường THPT Chuyên Ngoại
ngữ. Mức tăng khoảng 5-6 lần.
Cụ thể, trường chuyên ngữ chia học
phí thành hai mức: mức 1,3 triệu đồng/tháng năm 2024, từ 2025 tăng lên
1,97 triệu/tháng. Học phí áp dụng cho khóa tuyển mới và giữ ổn định đến
hết khóa học.
Trường chuyên Sư phạm thu học phí 650.000
đồng/tháng trong học kỳ I. Từ học kỳ II lên 1,6 triệu đồng/tháng. Trong
hai năm học tiếp theo, học phí lần lượt 1,7 triệu đồng/tháng và 1,8
triệu đồng/tháng.
Hiện, cả hai trường đều áp dụng mức 300.000 đồng/tháng với học sinh lớp chuyên.
"Tăng
học phí là bài toán tồn tại của trường chuyên thuộc đại học", TS Nguyễn
Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, chia sẻ.
Hàng
năm, trường chuyên ngữ nhận ngân sách khoảng 6 tỷ đồng cho chi thường
xuyên. Tuy nhiên, trường chi lương, bảo hiểm... cho cán bộ, giáo viên cơ
hữu và hợp đồng hơn 18 tỷ đồng/năm.
Từ khi trường đại học tự chủ, ngân sách giảm, khoản tiền rót về trường THPT chuyên trực thuộc ít đi.
Việc phải dừng tuyển sinh hệ cận chuyên với mức học phí 3,1 triệu đồng/tháng/học sinh khiến trường mất đi một nguồn thu.
Đó cũng là nguyên nhân tương tự khiến trường chuyên Sư phạm phải tăng học phí.
TS
Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, lý
giải: "Từ năm 2012, trường dùng nguồn thu từ hệ không chuyên để bù cho
hệ chuyên. Khi ngân sách giảm, nguồn thu từ hệ không chuyên không còn,
trường buộc phải tăng học phí để duy trì hoạt động".
Ông Tiến cho
biết thêm, ngân sách nhà nước cấp cho trường năm nay là 6 tỷ đồng, những
năm trước là 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi của trường là 20-24 tỷ
đồng. Trong đó, riêng chi lương là 11 tỷ đồng.
Cơ sở để các trường
THPT chuyên tăng học phí sau khi chuyển đổi mô hình từ công lập sang
công lập tự chủ tài chính là Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ và mức
trần giá dịch vụ với trường THPT chuyên thuộc quản lý của Hà Nội. Mức
trần quy định này là khoảng 2,8 triệu đồng/tháng.
"Ngay cả khi thu
học phí theo mức mới, trường vẫn chỉ hoạt động ở mức tối thiểu chứ
không dư dả", Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho
hay.