Trần Xuân Bách tham gia cộng đồng ôn thi SAT trên
mạng, làm 100 đề thi của các năm trước để tự học và khắc phục các lỗi
sai, trước khi đạt điểm 1590/1600.
Trần Xuân Bách, lớp 12 Tin, trường THPT chuyên Khoa
học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, là chủ nhân huy chương vàng
Olympic Tin học quốc tế và Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm
2022. Bách dự định học đại học ở Việt Nam một năm rồi du học. Hiện, em
đã hoàn thành hai kỳ thi chuẩn hóa quan trọng để ứng tuyển đại học Mỹ,
trong đó điểm IELTS đạt 8.0, điểm SAT (Scholastic Assessment Test) đạt
1590/1600, thuộc top 1% thí sinh có điểm SAT cao nhất thế giới.
"Em
hơi tiếc vì chút nữa đạt điểm tuyệt đối nhưng em cũng thấy may mắn khi
được điểm số này. Đây là lần thứ hai em thi SAT", nam sinh chuyên Tin
chia sẻ sau lễ gặp mặt và tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa
học kỹ thuật quốc tế năm 2022, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà
Nội sáng 26/12.
Bách thi SAT lần đầu hồi tháng 8,
được 1540 điểm. Nam sinh cho hay điểm số này đã đủ để nộp vào các đại
học Mỹ nhưng do đã đăng ký thêm kỳ thi tháng 10 để dự phòng nên em quyết
định thử sức lần nữa. "Lần thứ hai em đặt mục tiêu 1560 nhưng không ngờ
được 1590", Bách nói.
Theo Bách, bài thi SAT có ba phần, gồm đọc
hiểu (400 điểm), ngôn ngữ (400 điểm), Toán (dùng máy tính và không dùng
máy tính - 800 điểm). Bách đăng ký một lớp ôn thi SAT nhưng chủ yếu tự
học và luyện đề ở nhà. Em nhận định phần lớn thí sinh cảm thấy đề thi
khó ở phần đọc vì có các bài văn dài. Thí sinh phải đọc 5 bài trong
1-1,5 tiếng nên sẽ rất khó để vừa đọc, vừa hiểu chính xác đoạn văn và
trả lời câu hỏi.
Nam sinh nói nhờ nền tảng tiếng
Anh vững, kỹ năng đọc hiểu tốt do thường xuyên phải nghiên cứu tài liệu
Tin học bằng tiếng Anh, em vượt qua phần bài đọc với điểm số tối đa 400.
Ở lần thi đầu tiên, Bách bị sai ba câu ở phần này. Rút kinh nghiệm,
Bách áp dụng kỹ thuật đọc nhanh và học cách nắm bắt key words (từ khóa)
trong mỗi câu. "Muốn đạt điểm cao ở bài đọc, thí sinh phải xác định được
từ khóa của câu. Khi hiểu bối cảnh, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của từ", Bách
cho hay.
Toán cũng là thế mạnh của Bách nên em gần
như không ôn, chỉ dành thời gian đọc qua đề để nắm vững từ vựng, như từ
liên quan đến giá trị tối thiểu, tối đa của một hàm. "Em không dùng tới
máy tính ngay cả ở phần thi được phép dùng và có thể làm nhanh vì biết
cách tính nhẩm. Ở phần thi không dùng máy tính, các phép tính cũng đơn
giản, đáp án tròn trịa", Bách chia sẻ.
Trong ba
phần thi, Bách thấy khó nhất ở phần ngôn ngữ. Nam sinh nói phần này em
dễ mất điểm do ngữ pháp không tốt, khi đọc chỉ chú ý đến nghĩa của từ mà
không để ý đến cấu trúc. Em phát hiện mình thường xuyên sai ở 4-5 dạng
câu hỏi nên cố gắng luyện nhiều đề để tìm quy luật. Em cũng tham gia
cộng đồng ôn thi SAT trên mạng và làm dần 100 đề thi từ các năm trước.
Nhờ đó, lần thi này Bách chỉ sai một câu. "Cách của em là luyện nhiều
đề", nam sinh nói.
Ngoài ra, điểm cần lưu ý nữa khi
làm bài thi SAT là thời gian. Khi luyện ở nhà, Bách thường tự bấm giờ
trong đầu, chỉ cho phép dành 1-1,5 phút cho mỗi câu của bài đọc. Nếu có
câu nghi ngờ, em không kiểm tra lại luôn mà khoanh lại. Sau khi làm qua
một lượt, còn 5-10 phút, Bách sẽ quay lại những câu này.
Ở lần thử sức đầu tiên, Bách bất ngờ vì đề
thi thật khó hơn nhiều đề thi thường luyện ở nhà. Bách khuyên thí sinh
nên đọc nhiều bài báo khoa học, tác phẩm văn học để tăng vốn từ vựng và
quen cách hành văn. Ngoài ra, thí sinh cũng cần học cách giữ bình tĩnh
trong phòng thi. "Ngay cả khi còn 10-15 phút, bạn cũng không nên cuống
vì mỗi giây đều quan trọng như nhau. Em luôn cố gắng giữ phong độ, bình
tĩnh để làm hết bài", Bách chia sẻ