Ngược dòng giảm học phí
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) vừa công bố chính sách
học bổng đặc biệt khi lần đầu tiên, các thí sinh nhập học tại HIU chỉ
đóng từ 12 triệu đồng/học kỳ đối với các nhóm ngành (ngoại trừ những
ngành đặc thù như Y Đa khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học).
Vốn
từng được liệt vào danh sách trường có học phí cao, việc HIU đột phá để
giảm học phí khiến không ít câu hỏi được đặt ra: Liệu rằng chất lượng
có đảm bảo, hoạt động trải nghiệm có bị cắt giảm?
ThS
Trần Thúy Trâm Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng lý
giải việc giảm học phí do trong năm học 2023-2024, HIU đồng hành cùng
500 doanh nghiệp trao tặng đến thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Bà
cho biết HIU cũng đưa ra chính sách nếu sinh viên nộp học phí theo năm
với các thời hạn 1, 2, 3, 4, 5, 6 năm sẽ được giảm lần lượt 5%, 12%, 15%
đến 20%, 25%, 30% học phí.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh
& Truyền thông, Trường ĐH Gia Định (GDU) - cho biết với bối cảnh
kinh tế khó khăn hiện nay, việc thực hiện các ưu đãi về học phí cũng góp
phần giảm đi nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Tại GDU, sinh viên nộp học
phí theo 1-3 năm sẽ được giảm từ 10-20%, giảm cao nhất đến 20 triệu
đồng.
Năm 2023, Trường CĐ Dược Sài Gòn,
Trường CĐ Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đưa ra chính sách học phí sốc, có
trường hợp được giảm 100% học phí năm đầu nếu đủ điều kiện.
Học phí giảm, chất lượng ra sao?
Trả lời PV Dân trí,
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng Trần Thúy Trâm Quyên khẳng
định dù học phí giảm nhưng nhà trường cam kết sẽ gia tăng các trải
nghiệm cho người học, đem đến một môi trường học tập đa văn hóa và đầy
sắc màu quốc tế.
Theo bà Quyên, cách để
làm điều này là HIU không ngừng thắt chặt mối quan hệ gắn kết giữa nhà
trường - doanh nghiệp để tăng các chương trình đào tạo mang tính ứng
dụng thực tiễn, vừa tăng trải nghiệm nghề nghiệp và cơ hội đầu ra cho
sinh viên, lại vừa tạo bước đệm cho các dự án khởi nghiệp của các bạn
trẻ.
Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ tiếp
tục tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của
sinh viên như: 72 phòng thực hành cho khối cơ sở và chuyên ngành, hệ
thống bàn phẫu tích 3D trong đào tạo y khoa, thư viện số, khu thể thao
nghệ thuật phức hợp…
Còn TS Mai Đức
Toàn bày tỏ hiện nay trường ĐH, CĐ có sự liên kết, hợp tác với doanh
nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, mời lãnh đạo
các công ty tham gia giảng dạy cho sinh viên,… Từ đó, các đơn vị này có
những hỗ trợ ngược lại về học bổng, cơ hội việc làm cho sinh viên,
chương trình trải nghiệm.
"Trong điều
kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc duy trì mức học phí thấp, đưa ra
các chính sách học bổng sẽ giúp sinh viên tiếp cận giáo dục ĐH với chi
phí vừa phải nhất, giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình",
ông Toàn cho hay.
Ông
Nguyễn Quốc Cường - nguyên chuyên viên tư vấn tuyển sinh của Bộ
GD&ĐT tại TPHCM - khuyên rằng học phí không phải là điều duy nhất để
học sinh chọn trường nhưng đây là một yếu tố quan trọng.
Để
giải bài toán về học phí, ông Cường cho rằng trong bối cảnh học phí ĐH
đang tăng, học sinh cần lưu ý tới chính sách học phí, học bổng khi chọn
trường, chọn ngành để không rơi vào tình trạng "đứt gánh giữa đường".
Ngoài ra, gia đình có thể nghiên cứu tới chính sách vay vốn ưu đãi tại các ngân hàng chính sách để tham gia học tập.
"Các
em nên lựa chọn các trường ĐH có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh
tế của gia đình. Nếu đi học mà áp lực học phí sẽ ảnh hưởng tâm lý của
các bạn rất nhiều. Đặc biệt, các em đừng bỏ lỡ cơ hội học bổng của
trường", ông Cường chia sẻ