Thông tin trên vừa được đưa ra tại "Ngày hội Tư vấn tuyển sinh
và hướng nghiệp" cho học sinh khối THPT, trong khuôn khổ chương trình
ươm tạo tài năng từ bậc THPT của ĐHQGHN (VNU12+), diễn ra ngày 17/5 tại
Hà Nội.
Thầy giáo quyết định học trực tiếp hay trực tuyến
Trả lời phóng viên Dân trí,
ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo (ĐHQGHN), cho biết chương trình
học sinh tích lũy tín chỉ đại học được thí điểm triển khai từ năm 2014
nhưng trong 10 năm qua, do một số chính sách
chưa "thoáng", chẳng hạn yêu cầu các em phải ngồi học cùng sinh viên
đại học, nên rất ít em lựa chọn do khó bố trí thời gian và lịch học.
Hiện nay, cơ chế tích lũy tín chỉ đại học cho học sinh từ lớp 10 được triển khai "mở" hơn, cá thể hóa nên phù hợp hơn.
Cụ
thể, học sinh tham gia tích lũy tín chỉ sớm không phải quy định cứng
hình thức học tập, trong quá trình giảng dạy, thầy giáo sẽ quyết định
hình thức đào tạo với các em.
Theo đó, học sinh không nhất thiết
phải lên lớp mà có thể kết hợp nhiều hình thức, trong đó có thể học trực
tuyến (online) và trực tiếp (offline), điều này do thầy giáo quyết
định, sao cho việc tiếp thu tốt nhất nhưng vẫn đáp ứng được chuẩn đầu ra
mà học sinh tham gia.
Có thể tích lũy tín chỉ "kép"
Không
chỉ tích lũy tín chỉ đại học từ lớp 10, nhiều học sinh phổ thông thuộc
ĐH Quốc gia Hà Nội còn lấy tín chỉ kép nhiều trường ngay từ lớp 10.
Tại
chương trình, một số học sinh băn khoăn các em có thể cùng lúc tích lũy
nhiều tín chỉ ở các trường đại học khác nhau từ khi đang học phổ thông
hay không?
"Hiện em là học sinh THPT chuyên Khoa học Xã hội &
Nhân văn, liệu em có thể lấy tín chỉ sớm của Trường Đại học Khoa học Tự
nhiên (ĐHKHTN) không? Nhà trường có quy định mức trần hay sàn với số
lượng tín chỉ"? học sinh Bảo Hà (Trường THPT chuyên KHXH&NV hỏi.
Ông
Tuấn cho biết, không riêng trong khối ĐHQGHN mà với tất cả các trường
đại học khác, các em đều có quyền được lấy bằng kép. Chẳng hạn các em
học chuyên địa lý thì ở Trường ĐHKHTN có ngành địa lý, địa chính, địa
chất, ngành địa kỹ thuật- địa môi trường…
Như vậy, các em có thể
đang học phổ thông ở trường Nhân văn nhưng có thể lấy tín chỉ ở Trường
ĐHKHTN và ngược lại, hoặc lấy tín chỉ từ ĐH Luật, ĐH Kinh tế…, miễn sao
các chương trình có liên quan đến nhau và các em có thể sắp xếp được.
Nhà
trường không đưa ra số tín chỉ tối đa các em có thể tích lũy mà chỉ đưa
ra tối thiểu nhưng theo các hiệu trưởng, học sinh nên cân nhắc số lượng
tín chỉ cần lấy, dựa trên năng lực có thể của mỗi em và phù hợp với
định hướng mà thầy cô tư vấn cho các em.
Trả lời phóng viên Dân trí,
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã
hội & Nhân văn (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong 2 năm vừa
qua, có 32 học sinh phổ thông của trường này tham gia tích lũy tín chỉ
đại học, các em học rất tốt ở cả cấp phổ thông và đại học.
Điều
này phần nào cho thấy, để đạt kết quả tốt, các em cần có sự định hướng
của thầy cô và sắp xếp thời gian phù hợp năng lực và sở trường.
Trong
đó nhiều em chọn lấy chứng chỉ kép của hai trường từ khi đang học phổ
thông. Chẳng hạn, nhiều em học chuyên THPT chuyên Khoa học Xã hội &
Nhân văn nhưng tích lũy các học phần ở ĐH Luật và ĐH Kinh tế.
Mặc
dù vậy, trong quá trình học, nhiều em mong muốn các trường ĐH thành viên
của ĐHQGHN sắp xếp thời khóa biểu sao cho phù hợp với lịch học, sao cho
đáp ứng được việc cùng lúc học nhiều trường của học sinh.