Cô Đào Thị Sa Ron, Phó hiệu
trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Cần Thơ là một trong những giáo
viên người Khmer nổi tiếng nhất ở Tây Nam Bộ. Cô là người đã khai sinh
cuộc thi Hùng biện tiếng Khmer khu vực Đông bằng Sông Cửu Long, tạo
phong trào thi đua và sân chơi bổ ích, sôi nổi cho học sinh người Khmer
trong vùng.
Đam mê văn hóa Khmer khi mới chỉ là cô bé 7 tuổi
Cô
Sa Ron kể, khoảng 40 năm trước, vùng quê của cô (huyện Thới Lai, TP Cần
Thơ) còn chưa có đường đi, ai muốn ra thị trấn phải lội ruộng quãng
dài. Trong ấp chỉ có một trường làng dạy tiếng Việt và một ngôi chùa có
dạy tiếng Khmer cho các chú tiểu học tu.
Vì đời sống khó khăn, hầu
như bạn bè cùng trang lứa với cô Sa Ron đều không học đến nơi đến chốn,
con gái đi học lại càng hiếm. Nhưng cô bé Sa Ron 7 tuổi đã không mải
chơi như chúng bạn, cứ thích sáng vào trường học tiếng Việt, chiều vào
chùa học tiếng Khmer.
"Hồi đó cả ấp chỉ có tôi và một bạn nữ đi
học chữ Khmer, chùa chỉ ưu tiên dạy cho nam giới nên các bạn nữ cũng
ngại đến. Thấy tôi đi học, hàng xóm còn dèm pha, cho rằng đằng nào cũng
đi lấy chồng nên học chỉ tốn công, tốn tiền.
Nói một đứa trẻ 7
tuổi yêu thích văn hóa dân tộc và muốn đi học để phát huy văn hóa của
dân tộc mình nghe rất lớn lao, và khó tin lắm, nhưng vì điều đó mà tôi
quyết học bằng được 2 thứ tiếng", cô Sa Ron kể.
Học xong chữ Khmer
phổ thông ở trong chùa làng, cô Sa Ron quyết tâm xuống Sóc Trăng học
thêm về chữ Khmer cổ. Rồi cô cũng là người đầu tiên ở Cần Thơ đi học sư
phạm tiếng Khmer những năm đầu thập niên 90.
Ra trường năm 1998,
cô về công tác ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Cần Thơ, trở thành
giáo viên dạy tiếng Khmer đầu tiên và duy nhất của thành phố trong nhiều
năm.
Là
"của quý", cô Sa Ron đã nhận được sự ưu ái hết mực của nhà trường và
đồng nghiệp. Những tình cảm quý báu đó đã động viên cô vượt qua giai
đoạn khó khăn những năm đầu.
"Hồi đó lương không có bao nhiêu
nhưng cứ ngày ngày đạp xe mấy chục ki-lô-mét đi về, nắng còn đỡ, mưa là
lội sình. Cũng vì lương không nhiều nên không dám ăn tiêu, nên gầy lắm.
Thấy
thế, trường ưu ái dành riêng một phòng cho tôi ở. Các anh chị đồng
nghiệp còn góp tiền cho tôi, bắt mua đồ ăn cho béo lên thì thôi. Sợ tôi
ngại khó mà nghỉ việc, hiệu trưởng còn nói trường sẵn sàng nuôi tôi miễn
phí, lương vẫn trả đều", cô Sa Ron nhớ lại những kỷ niệm thời mới vào
nghề.
Vượt mọi khó khăn chỉ mong học sinh giữ được ngôn ngữ dân tộc
Nhưng cũng trong những năm đó, có những khó khăn, bế tắc đến mức cô Sa Ron đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
"Một
mình một cõi", không có ai để hoi han, tham vấn. Có khi cô Sa Ron phải
vào chùa hỏi sư để bổ sung kiến thức. Nghe đâu đó có ai hiểu biết nhiều
về văn hóa, ngôn ngữ Khmer cô lại không ngại đạp xe đến hỏi.
Trước
đây Bộ GD&ĐT cũng chưa xây dựng sách giáo khoa và chương trình
chuẩn giảng dạy tiếng Khmer, cô Sa Ron phải tự tìm tài liệu để xây dựng
chương trình dạy của riêng mình.
"Tôi
đi dạy 6 năm thì trường mới hợp đồng được thêm một giáo viên dạy tiếng
Khmer. Thời gian đầu, thấy thầy cô khác có người dự giờ, tôi tủi thân
lắm. Tôi ước có người dự giờ mình, để chỉ cho mình sai gì, thiếu gì.
Rồi
tôi đã phải xây dựng kế hoạch, tự dự giờ tiết dạy của chính mình. Mỗi
khi có điều gì cần học hỏi, tôi phải lặn lội đi Sóc Trăng, Trà Vinh mới
có người chỉ dạy cho. Hay một lần nghe nói có người ở Sóc Trăng vừa tốt
nghiệp thạc sĩ tiếng Khmer từ Campuchia về, tôi liền tìm đến nơi nhờ họ
chia sẻ kiến thức", cô Sa Ron kể.
Môn Tiếng Khmer phải học khoảng 6
năm mới đọc viết thành thạo, lại không có trong chương trình thi. Cô Sa
Ron cho rằng việc hình thành cho học sinh ý thức trách nhiệm và tình
yêu với môn học còn khó hơn cả việc xây dựng chương trình giảng dạy.
Hơn nữa, việc thuyết phục phụ huynh ủng hộ, thúc giục con em học hành cũng là vấn đề nan giải.
"Tôi
đã từng 8h đêm đạp xe đến nhà thuyết phục học sinh tiếp tục đến trường,
khuyên nhủ hết lời. Học sinh không chịu học đã đành, phụ huynh còn ủng
hộ con nghỉ học. Những lúc đó tôi buồn, cảm thấy mình thất bại như mất
mát điều gì to lớn.
Rồi học sinh đến lớp, ý thức và năng lực của
các em khác nhau nhiều lắm, phần đa là không muốn học. Xây dựng phương
pháp dạy phù hợp rất khó. Tùy từng lớp, tôi áp dụng cách dạy khác nhau,
chia nhóm, tạo trò chơi, cho giải đố hay tổ chức những cuộc thi nhỏ.
Tôi
nói cho các em biết trách nhiệm phải học tiếng dân tộc mình để lưu giữ
văn hóa, để yêu quê hương và để có năng lực xây dựng quê hương", cô Sa
Ron chia sẻ.
Không chỉ dạy chữ, cô Sa Ron còn dạy học sinh về phong tục tập quán, về những điệu múa, bài hát, món ăn của dân tộc mình.
Để
tạo không khí thi đua học tập sôi nổi, năm 2014 cô Sa Ron đã tổ chức
cuộc thi Hùng biện tiếng Khmer cho học sinh trong trường. Vì cuộc thi
đạt thành công lớn, chỉ một năm sau đã trở thành giải đấu cấp vùng, nơi
mà học sinh người Khmer ở khắp miền Tây đều muốn giành suất tham gia.
"Cuộc
thi không chỉ tạo sân chơi để học sinh người Khmer rèn dũa kỹ năng hùng
biện bằng ngôn ngữ dân tộc. Đó còn là cơ hội để các em giao lưu, học
hỏi giữa các cộng đồng người Khmer ở các tỉnh. Tạo cho các em phong trào
thi đua, tăng sự tự tin, tăng hiểu biết văn hóa dân tộc mình", cô Sa
Ron nói.
Cô Sa Ron nhìn nhận, đến nay ý thức, tinh thần học tập
của học sinh người Khmer đã tốt hơn rất nhiều. Môn Tiếng Khmer cũng đã
có sách giáo khoa, việc dạy và học đã trở nên thuận lợi.
"Rất mừng
là nhiều em đi ra từ ngôi trường này đã thành đạt. Hầu hết các em học
nghề, thành thợ, có một số thì kinh doanh. Cũng có nhiều em đã quay về
đây trở thành giáo viên trong trường", cô Sa Ron chia sẻ.
Đã làm
Phó hiệu trưởng hơn một khóa, còn 7 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, cô Sa
Ron tâm sự rằng không muốn thăng chức vì chỉ muốn được gắn bó với
chuyên môn, với ngôi trường và với những thế hệ học sinh thân yêu của
mình