Quá tải trong công việc và liên lạc
Chia sẻ với phóng viên Dân trí,
một giáo viên mầm non ở Hà Nội kể, cô cùng các đồng nghiệp phải làm
việc hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. 7h sáng, cô phải có mặt ở lớp để dọn
dẹp và đón trẻ.
Lớp có khoảng 40 trẻ nhưng chỉ có hai cô thay
phiên nhau quần quật đến 17h30 mới tan ca. Nhiều hôm, các cô không có
thời gian nghỉ trưa do một số em quấy khóc.
Cũng
giống các đồng nghiệp khác, cô giáo mầm non này phải làm đủ các công
việc: Dọn dẹp lớp đầu ngày, đón trẻ, chuẩn bị ăn sáng, sắp xếp đồ chơi,
dụng cụ học tập, tập thể dục, ăn trưa, ngủ trưa, vệ sinh cá nhân…Chưa kể
trong giờ học, các bé ốm đau, cô giáo vừa chăm vừa cho trẻ uống thuốc
theo đơn bố mẹ gửi mỗi ngày.
Lúc học sinh nghỉ, giáo viên mang chăn màn đi giặt, đánh rửa và khử trùng đồ chơi, trang trí lớp hoặc làm dụng cụ học tập…
Vất
vả với công việc là vậy, giáo viên mầm non còn có thêm nhiệm vụ mà giáo
viên cấp 1 trở lên ít phải thực hiện. Đó là duy trì liên lạc với phụ huynh
học sinh mỗi ngày bằng đủ các phương thức, từ camera đến zalo,
facebook, tin nhắn trực tiếp, nghe điện thoại..., và bất cứ thời gian
nào trong ngày, khiến họ càng thêm áp lực.
Tại tọa đàm "Kinh nghiệm ứng dụng phương pháp lấy trẻ làm trung tâm và xu hướng mới trong quản lý giáo dục
mầm non", vừa được tổ chức tại Hà Nội chiều 28/3, ông Lê Anh Tuấn, Chủ
tịch một tập đoàn giáo dục, cũng chia sẻ nỗi vất vả và áp lực đó của
giáo viên mầm non.
"Khi đi ghi nhận công việc của giáo viên mầm
non ở các trường tại nhiều tỉnh thành, chúng tôi thấy họ vừa khổ trong
công việc, vừa bị bủa vây bởi các phương tiện liên lạc: camera, zalo,
facebook…, và cả nhắn tin trực tiếp tới từng phụ huynh.
Vậy tại
sao không có cách thức gì có thể tích hợp tất cả các ứng dụng trên chỉ
trong một phần mềm quản lý điện tử, từ đó giáo viên mầm non chỉ đơn giản
mở một phần mềm là có thể trao đổi phụ huynh, hoàn tất giấy tờ, cập
nhật tình hình lớp học..."?, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Còn chuyên gia giáo dục Nhật Bản
Koike Yoshinori chia sẻ, việc gia tăng học sinh hàng năm khiến giáo
viên mầm non vốn đã vất vả ngày càng nặng nhọc hơn, tại Nhật đã xảy ra
điều này.
Vậy nên họ cần được hỗ trợ chuyển đổi số, làm sao giáo
viên có thể dùng một phương tiện liên lạc nhưng vẫn có thể quản lý học
sinh và sổ sách, để ít nhiều giảm tải trong công việc cũng như trong các
cách thức liên lạc với phụ huynh mỗi ngày.
Học phí 700.000 đồng/em liệu có thể chuyển đổi số?
Tại
tọa đàm, một hiệu trưởng tại Vĩnh Phúc băn khoăn rằng học phí thấp, chỉ
700.000 đồng/em/tháng, liệu có đủ năng lực chuyển đổi số.
Ông Lê
Anh Tuấn cho biết nhiều vị hiệu trưởng cũng có băn khoăn như vậy. Điều
đó giúp ông và các đối tác, đồng nghiệp thúc đẩy việc áp dụng chuyển đổi
số bằng ứng dụng tích hợp tất cả các phương tiện, trong đó vừa có
camera, vừa có phần mềm trò chuyện khác nhưng hoàn toàn miễn phí cho các
trường mầm non trên cả nước, hoặc nếu có thu phí thì cũng chỉ khoảng
30.000 đồng/tháng.
Các chuyên gia đồng quan điểm, áp dụng chuyển
đổi số giúp nâng cao chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, giáo viên và phụ huynh, tạo
nên môi trường giáo dục chuyên nghiệp, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo
các chuyên gia, chuyển đổi số trong giáo dục cũng gặp nhiều thách thức,
nhất là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt cấp học mầm non còn có nhiều hạn chế
trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến của thời đại.
Không
những thế, tại chính một số thành phố lớn, việc giáo viên mầm non ngại
thay đổi cũng là một trở ngại đáng kể trong việc chuyển đổi số.
Ông
Adachi Yasunobu, Giám đốc điều hành một công ty giáo dục tại Nhật Bản,
kể một kinh nghiệm từ nước này. Ngoài vất vả về việc chăm sóc trẻ, trước
đây giáo viên ở Nhật cũng chật vật bởi họ quản lý lớp bằng giấy bút.
Nhưng ban đầu, họ không muốn thay đổi cách thức quản lý truyền thống này
bởi sợ công nghệ làm ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ.
Thế nhưng dần
dần quan niệm này đã thay đổi. Họ đã chuyển đổi số và cách tiếp cận của
công nghệ thông tin ở đây như một giải pháp giúp đỡ giáo viên trong
việc nhập tài liệu vào máy tính, để họ tiết kiệm thời gian viết báo cáo
để có thêm thời gian chăm sóc trẻ.
Chuyên gia này cho biết, hiện
khoảng 18.000/30.000 trường của Nhật Bản đã được quản lý bằng công nghệ
thông tin, điều này trở thành cuộc cách mạng khi thay giấy bút bằng số
hóa trong quản lý nhà trường.
Tại Việt Nam, hiện nhiều trường đã
áp dụng chuyển đổi số thành công. Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba
Đình (Hà Nội), 100% trường học, giáo viên, nhân viên của quận này được
truy cập khai thác sử dụng dữ liệu dùng chung Google Workspace for
Education, tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý,
chỉ đạo điều hành.
Giáo dục Ba Đình đã vượt qua những trở ngại để
tiếp cận trường học thông minh, bám vào 3 trụ cột là hạ tầng số, nền
tảng số và năng lực số.