"Vỡ mộng" với môn lựa chọn
Chia sẻ tại buổi tư vấn tuyển sinh
lớp 10 do Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) tổ
chức, bà Đỗ Thị Yến Hoa, nhà báo, thành viên ban tư vấn, nêu lên thực
trạng nhiều phụ huynh khi đăng ký nguyện vọng cho con chỉ quan tâm tới
điểm chuẩn và khả năng trúng tuyển.
Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môi trường giáo dục trong mỗi nhà trường khác nhau.
Kể
lại câu chuyện thực tế, bà nói về trường hợp học sinh T.A. từng đỗ vào
Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp) song khi đăng ký môn học lựa chọn lớp
10, nam sinh cảm thấy "choáng", bởi trong các nhóm môn học được trường
thiết kế không có môn mỹ thuật. Trong khi định hướng nghề nghiệp của em
là theo nhóm ngành thiết kế.
Nam sinh tâm sự rằng dù đã được các
thầy cô ở trường THCS tư vấn rất kỹ nhưng bản thân đã quá chủ quan khi
đặt nguyện vọng lớp 10 lại không tìm hiểu về trường và những thay đổi
trong cách tổ chức môn học lựa chọn trong chương trình mới. Đến khi
trúng tuyển rồi, mới thấy môn học mình mong muốn không có… Lúc này, đã
muộn.
Bà Yến Hoa gọi đó là vỡ mộng.
"Con vỡ mộng, phụ huynh
cũng vỡ mộng vì không tìm hiểu kỹ cách thức tổ chức giáo dục của chương
trình mới nên đánh mất cơ hội để học môn học định hướng công việc", vị
thành viên ban tư vấn chia sẻ.
Do đó, bà Hoa nhấn mạnh khi chọn
trường phải tìm hiểu môn học lựa chọn như thế nào, có đúng khuynh hướng
nghề nghiệp, năng lực sở trường của con mình hay không.
Tất cả
những điều này đã được các trường Trung học phổ thông (THPT) công bố khi
có thông tin tuyển sinh, phụ huynh, học sinh có thể xem thông tin trên
website của trường.
"Choáng" về học phí, mức thu
Một
thực tế khác được bà Yến Hoa nêu ra là loại hình trường học và vấn đề
thu, chi của các trường. Theo đó, hiện nay, trường THPT được tổ chức với
nhiều mô hình: THPT thường, THPT chuyên, THPT thường tuyển lớp chuyên,
tích hợp, mô hình tiên tiến hội nhập. Mỗi loại hình trường sẽ có mức thu
học phí khác nhau.
Ngoài
ra, với chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường được quyền tổ
chức thêm các chương trình nhà trường như tin học quốc tế, tiếng Anh với
người nước ngoài, kỹ năng sống... Trường hợp khác là thực hiện đề án
kích cầu của thành phố… Do đó, ngoài khoản thu chính là học phí, trong
quá trình học sẽ còn thêm các khoản thu khác.
"Dù các nội dung
này đã được công bố ngay từ khi tuyển sinh nhưng nhiều phụ huynh không
quan tâm. Đến khi con vào học, trường thông báo thu tiền lại "tố" trường
lạm thu, tự tạo nên áp lực kinh tế. Mỗi gia đình cần căn cứ điều kiện
kinh tế để chọn trường. Hãy chọn trường một cách có trách nhiệm", bà Yến
Hoa chia sẻ.
Các chuyên gia tại buổi tư vấn nhấn mạnh tới việc
thí sinh đặt 3 nguyện vọng thật chính xác, phù hợp với năng lực, nguyện
vọng và cần quan tâm tới khoảng cách từ nhà đến trường.
Bà
Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho biết
việc tư vấn nguyện vọng cho thí sinh đang được ngành giáo dục TPHCM đặc
biệt quan tâm. Khi các trường THPT tổ chức giới thiệu môn học lớp 10,
rất nhiều học sinh lớp 9 nhắn tin nhờ giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng
tư vấn.
Song, bà cũng chia sẻ thực tế nhiều phụ huynh, học sinh
còn chưa hiểu hết được tầm quan trọng của môn học lựa chọn. Không ít em
khi được hỏi vì sao chọn nhóm môn học này lại trả lời vì… bạn thân chọn
nên chọn theo. Cũng có nhiều em khi đỗ vào trường này lại ước được
chuyển sang trường có tổ chức môn học mà các em yêu thích…
Vào
thời điểm chọn trường ban đầu, phụ huynh, học sinh mới chỉ quan tâm về
điểm số và khả năng trúng tuyển. Bà Đoan Trang lưu ý phụ huynh, học sinh
cần nghiên cứu kỹ về cách thức tổ chức môn học lựa chọn ở trường THPT
trước khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10.