Bán của hồi môn để có "chuyến đò chở chữ" sang sông
Ở
vùng rẻo cao huyện Đà Bắc (Hòa Bình), 18 năm qua cô giáo Quách Thị Bích
Nụ vẫn đều đặn 5h30 sáng vượt sông, ngược dốc đưa đón nhiều thế hệ học
sinh đến trường tìm con chữ.
Cô
giáo có gương mặt tròn, giọng nói vui tươi nhớ lại những ngày đầu đến
trường vất vả. Sau vài năm vượt suối, con đò ban đầu ngày một trở nên
xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Nhận thấy việc đưa đón các em
học sinh sẽ không đảm bảo an toàn, năm 2011, sau khi bàn bạc và được sự
đồng tình ủng hộ của gia đình, cô quyết định bán cặp bò vốn là của hồi
môn để "đầu tư" nâng cấp thuyền và sử dụng đến nay.
Với số tiền
bán bò được 15 triệu đồng, vợ chồng cô bỏ thêm 1 triệu đồng, rồi lên
trung tâm huyện nhờ thợ đóng cho chiếc thuyền có gắn động cơ. Khi học
sinh đông lên, cô đổi chiếc thuyền cho ông bà ngoại để lấy thuyền to hơn
mới đủ chỗ cho các em ngồi.
Ngày
nào cũng vậy, khi sương chưa tan thì cô Nụ đã tất bật chuẩn bị từ sớm
để di chuyển đến điểm trường. Khi trả các em về với gia đình và trở về
nhà bên kia sông thì trời đã gần về tối.
Muốn đến điểm Trường Mầm
non Yên Hòa, huyện Đà Bắc, các em nhỏ phải di chuyển 2 chặng đường. Đi
xe hoặc đi bộ ra bến sông, sau đó di chuyển trên sông bằng thuyền với 30
phút ngồi thuyền máy (qua 3km vùng lòng hồ sông Đà), sau đó lại đi xe
máy ngược dốc chừng ấy thời gian nữa.
Ngày ngày, cô Nụ chỉ mong
sao cho sóng yên gió lặng để con đường vượt sông đến trường của cô trò
được thuận lợi. Bởi trong ký ức của cô Nụ, mỗi lần đi xe máy qua đường
đèo để đến điểm trường dạy học, đường trơn, trượt tay lái, cô Nụ ngã
nhào trầy xước hết mình.
Hay việc điều khiển thuyền cũng gặp khó
khăn do áo mưa bùng nhùng, tầm nhìn bị hạn chế. Những trận gió to thốc
lên từng đợt, đẩy con thuyền trôi tuột theo các hõm nước sâu.
Dưới
cơn mưa, cô phải tập trung cao độ, căng mắt nhìn để cắt sóng, xử lý sao
cho sóng không dạt vào làm ướt quần áo các em. Nhưng nhiều hôm, lên đến
bờ, cô trò hầu như ướt hết cả nửa người dưới.
Vì thế, trong hành trang đi làm, đi học, ngoài sách, bút, cô Nụ và học sinh còn luôn chuẩn bị thêm một bộ quần áo để dự phòng.
Mấy
nay thời tiết đã trở lạnh, sáng sớm sương muối giăng kín mặt sông nên
việc đi lại cũng vất vả. Để tránh chậm trễ thời gian, cô Nụ tự đặt báo
thức buổi sáng sớm hơn bình thường 30 phút, chèo thuyền ngược xuôi, lặn
lội qua nhà đón từng em học sinh cho kịp giờ đến trường.
Bến
thuyền còn cách điểm trường gần 3km nên hàng ngày cô Nụ gửi xe ở nhà
người quen gần bến. Thuyền cập bến thì lại lấy xe máy chở các em đến
trường.
Trong suốt 18 năm miệt mài "vượt sông" gieo chữ cho trẻ thơ, đã có không ít lần cô Nụ bật khóc bởi những khó khăn, thiệt thòi.
Thấy
cô lọ mọ sớm hôm vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện
chèo đò, đưa đón học sinh xóm Nhạp vất vả mà vẫn kiên trì đón từng em
học sinh đến trường, anh Đồng, chồng cô Nụ hiền lành là vậy cũng phải
gắt lên, bảo mệt quá thì nên nghỉ đi. Nhưng cô lại nài nỉ, nên anh chỉ
dám giận dỗi một lúc rồi thôi.
Sáng sớm hôm sau, anh vẫn dậy sớm
cùng vợ chuẩn bị đồ đạc, kiểm tra thuyền bè để cô kịp giờ đưa đón học
sinh đến trường. Khó khăn là thế, nhưng gặp những học sinh nhỏ vùng cao
cô Nụ thấy lòng thắt lòng, không muốn "bỏ cuộc". Muốn các con được đi
học để có tương lai tốt đẹp hơn, cô lại tự động viên mình và tự tìm cách
để vượt qua những thách thức.
Nhờ chuyến đò ấy, con đường đến
trường của những đứa trẻ vùng hồ đỡ gian nan, gập ghềnh. Mỗi chuyến đò
rời bến lại thêm niềm hy vọng về một tương lai sẽ "nở hoa".
Bằng
cái tâm, nhiệt huyết của người dạy chữ, trong suốt 18 năm qua, hàng ngày
cô Nụ vẫn âm thầm "chèo lái" từng con chữ gieo vào "lòng trẻ thơ".
"Tiếng
cười giòn tan xua đi cảnh âm u tịch mịch của điểm trường lẻ đơn côi
giữa núi rừng. Đối với tụi trẻ, thầy cô không chỉ là người dạy chữ mà
còn như một người chị, người mẹ, một người biết tuốt để có thể giải đáp
mọi thắc mắc của chúng", cô Nụ nói.
Trên gương mặt đầy đặn, phúc
hậu của cô Nụ dường như ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc khi kể về những
chuyến đò của mình: "Niềm vui lớn nhất là chứng kiến các học sinh đi
học hàng ngày, về nhà khỏe mạnh, cuối ngày lái thuyền đưa các em về nhà
nhìn tụi nhỏ ê a học bài, hỏi bài nhau rồi cười hồn nhiên, mọi mệt mỏi
dường như tan biến".
"Người lái đò" tận tâm
Xóm
Nhạp có gần 60% gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sống
rải rác bên các triền đồi ven bờ sông nên việc đi lại chủ yếu phải sử
dụng thuyền. Có nhiều gia đình kinh tế còn eo hẹp, không có thuyền đi
lại, nên việc học hành của các em nhỏ cũng trở nên khó khăn.
Vì
vậy, việc cô Nụ hằng ngày cần mẫn đưa trẻ đến trường học chữ, chăm lo
đầy đủ cho các em về dinh dưỡng, đời sống tinh thần… đã giúp các bậc phụ huynh thêm yên tâm, tin tưởng cậy nhờ cô Nụ chăm sóc trẻ thơ.
"Cô
Nụ rất nhiệt tình, chăm sóc chu đáo đối với các cháu. Nhà tôi cách xa
trường, hai vợ chồng cũng lo đi làm tối ngày nên không thể sát sao chăm
lo cho việc ăn uống và đi lại của cháu. Sự hỗ trợ của cô Nụ đã giúp đỡ
gia đình rất nhiều. Con cũng được ăn uống đầy đủ hơn, ngoan, nghe lời bố
mẹ, thầy cô. Tôi rất biết ơn cô giáo", chị Xa Thị Đính, một phụ huynh
có con gái 3 tuổi đang học tại Trường Mầm non Yên Hòa, chia sẻ.
Việc đưa đón các em học sinh đi học là hoàn toàn tự nguyện, cô Nụ không yêu cầu gia đình các cháu đóng góp bất cứ thứ gì.
Thấm
thoắt cũng đã 18 năm trôi qua, nhưng đối với cô giáo Quách Thị Bích Nụ
luôn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về những chuyến đò của mình.
Từ
giáo viên hợp đồng rồi được tín nhiệm là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non
Đồng Ruộng, xã Đồng Ruộng đến tháng 2/2023 được điều chuyển, bổ nhiệm
làm Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Hòa, xã Yên Hòa, huyện
Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cô Nụ luôn tự nhủ lúc nào cũng phải coi học trò
như con, cháu mình để chỉ bảo, dạy dỗ từng chút một.
"18
năm qua, tôi không nhớ rõ mình đã đưa đón được bao nhiêu cháu, bao
nhiêu chuyến đò; chỉ nhớ năm học ít nhất là đưa đón 2 cháu, năm nhiều
nhất là 18 cháu. Tôi luôn coi những đứa trẻ ấy như người thân yêu của
mình. Đến nay, việc đưa đón các cháu luôn được diễn ra an toàn và bảo
đảm các cháu đến lớp kịp giờ học", cô Nụ bày tỏ.
Cho dù ở bất cứ cương vị nào, là người giáo viên trực tiếp đảm nhiệm công tác chăm sóc giáo dục
trẻ hay làm cán bộ quản lý, cô giáo Quách Thị Bích Nụ vẫn thể hiện được
vai trò đầy trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành
tốt nhiệm vụ được giao.
Nhận xét về đồng nghiệp, cô Hà Thị Đính,
giáo viên Trường Mầm non Yên Hòa cho biết: "Cô Nụ là người có năng lực
quản lý, có tấm lòng nhân hậu, tâm huyết và không ngừng sáng tạo, luôn
quan tâm đến công việc và đời sống của cán bộ giáo viên. Đặc biệt, cô
luôn là người nêu gương cho cán bộ, giáo viên học tập, noi theo. Cô hết
lòng vì trẻ thơ, luôn chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết và tận tình với đồng
nghiệp và được phụ huynh tin tưởng, nể trọng".
Hành
trình gắn bó với công tác "gieo chữ" của cô Nụ đã sang năm thứ 18 vẫn
còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng khi được hỏi về ước mơ và nguyện vọng
của bản thân, cô tâm sự: "Hạnh phúc, niềm vui lớn nhất của tôi là thấy
các em được đến lớp, được nở nụ cười, được biết con chữ. Tôi sẽ chèo
thuyền đưa các em đến lớp, kể cả sau này về hưu, nếu còn sức khỏe vẫn
đồng hành cùng các con, làm hết sức mình để ươm mầm cho các em thơ".