Học nội trú từ tuổi 15, học sinh cần cân bằng
việc học và sắp xếp, quản lý cuộc sống sớm hơn, đồng thời, lại tích lũy
tính tự lập, giao tiếp và phối hợp.
Nhiều phụ huynh còn băn khoăn về việc có nên cho con
theo học nội trú ở bậc THPT hay không. Theo khảo sát 1.300 độc giả trên
fanpage VnExpress vào tháng 6/2020, 45% độc giả đồng ý cho con đi học
nội trú tuổi 15, số còn lại chọn không nên cho con xa nhà thời điểm này.
Theo
đại diện Trường THPT FPT Cần Thơ, mô hình nội trú có thể được xem là xã
hội thu nhỏ. Mỗi học sinh có một cá tính. Khi không có ba mẹ hay người
thân bên cạnh, các em có cơ hội soi rọi bản thân từ bên trong, xây dựng
nhận thức về con người "thật". Điều này có thể bị kìm nén khi còn sống
trong khuôn khổ gia đình. Song song, các bạn phải học nhiều kỹ năng và
thích nghi với cuộc sống một mình, tổ chức cuộc sống khoa học hơn.
Nhìn nhận hai vấn đề khó khăn và cơ hội tại
môi trường nội trú, cô Lê Trương Kim Phương - Phó hiệu trưởng THPT FPT
Cần Thơ cũng nhận định, khó khăn đầu tiên học sinh phải đối diện là tự
kiểm soát tất cả mọi việc, dù rất là nhỏ như dậy đúng giờ, tự lo ăn
sáng... cùng với các thay đổi trật tự và nếp sinh hoạt hằng ngày. Thứ
hai, các bạn phải chung sống với người khác, đây là điều bắt buộc và đặc
trưng của môi trường nội trú.
Ngược lại, các em có
cơ hội học cách sống tập thể, từ các vấn đề như sử dụng máy lạnh chung
thế nào hay sử dụng nhà vệ sinh ra làm sao để dung hòa với nhau. Thứ
hai, học sinh biết cách biết ơn những điều mình đang có.
Theo
cô, tại gia đình, mỗi em có thể có căn phòng, không gian sinh hoạt
nhưng tại môi trường nội trú, các bạn phải san sẻ với nhiều người khác.
Đây là cơ hội để các em trân trọng những điều đang hiện hữu xung quanh
hơn. "Lòng biết ơn là nền tảng để giúp một con người phát triển bền
vững", cô nhấn mạnh.
Cơ hội thứ ba là học cách giải
quyết chính vấn đề. Đây cũng là kỹ năng cần thiết giúp các em trưởng
thành và mạnh dạn hơn sau ba năm học tại trường.
Tại
THPT FPT, nhà trường tạo điều kiện phát huy năng lực học sinh, xây dựng
chương trình phát triển cá nhân (PDP), trong đó có môn kỹ năng mềm dạy
các em giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm... Từ đó, học sinh
vận dụng vào đời sống sinh hoạt thực tế tại ký túc xá hay lớp học. Bên
cạnh đó, thầy cô quản nhiệm hay bộ phận tham vấn tâm lý học đường, chủ
nhiệm luôn thường trực và đồng hành cùng học sinh để chia sẻ, động viên,
tháo gỡ các khúc mắc.
Mới đây, trong chương trình
tọa đàm của Trường THPT FPT Cần Thơ, anh Trương Khắc Quỳnh (An Cư, Cần
Thơ) chia sẻ, khi con chuẩn bị tốt nghiệp cấp 2, gia đình cân nhắc nhiều
phương án cho con, trong đó có mô hình nội trú. Trước đây, khái niệm
học nội trú phổ thông với anh vẫn còn mới nên vẫn chưa thật sự tin
tưởng. Sau qua quá trình trao đổi trực tiếp với Trường THPT FPT Cần Thơ,
anh nhận thấy lợi điểm của môi trường nội trú cũng như định hướng phù
hợp cho tương lai của con. Từ đó, anh có động lực đồng ý "buông tay" con
từ tuổi 15.
Phó hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ khẳng
định, việc chấp nhận cho con học nội trú từ tuổi 15 của phụ huynh có
thể là quyết định liều lĩnh nếu con chưa sẵn sàng hoặc môi trường nội
trú không an toàn để con phát triển. Tuy nhiên, nếu gia đình đều đồng
thuận lựa chọn, an tâm về môi trường, đây sẽ là cơ hội học sinh xây dựng
bước ngoặt mới trước tuổi trưởng thành.
Tạ Gia Khang - học sinh khóa 1 THPT FPT Cần
Thơ chia sẻ, vào năm lớp 9, em luôn tự ti và lo sợ trước đám đông. Do
đó, ba mẹ giới thiệu môi trường nội trú để mạnh dạn hơn và hạn chế thiếu
sót trong giao tiếp.
Em kể lại quá trình sinh hoạt
nội trú, các bạn chung phòng đều bật nhạc mỗi buổi tối trước khi ngủ.
Tuy nhiên, do gu khác biệt, mỗi người tự mở một bài hát khác nhau khiến
cho người nghe như phải nhức đầu. Vì vậy, Khang giải quyết vấn đề bằng
cách thẳng thắn chia sẻ cảm xúc đó và đưa ra phương án giải quyết, mỗi
ngày chọn ngẫu nhiên một loại nhạc. Điều này khiến cả phòng có sở thích
chung từ âm nhạc chuyển sang nghe truyện ma để bước vào giấc ngủ.
"Đôi khi cách giải quyết mâu thuẫn nhanh nhất là thẳng thắn chia sẻ cảm xúc cá nhân", em nói thêm.
Khác
với Gia Khang, Khánh Vi - học sinh khóa 1 chia sẻ, năm lớp 9, em từng
định hướng học trường chuyên ở Cà Mau. Thế nhưng, sau đó ba mẹ giới
thiệu và khuyến khích em học ở môi trường nội trú. Là một người hướng
ngoại, Vi đồng ý với phương án này vì môi trường thuận lợi để rèn luyện
nhiều kỹ năng, phù hợp với định hướng.
Năm lớp 10,
thời gian đầu do mới quen biết, em và các bạn cùng phòng ký túc xá chưa
hòa hợp về cách sinh hoạt. Do đó, nữ sinh quyết định chuyển phòng. Buổi
tối hôm đó, cả phòng đã ngồi lại cùng nhau để giải quyết vấn đề này, em
cũng tâm sự với các bạn việc bản thân tôn trọng cách sống mỗi người và
giới hạn của mình.
Mặc dù sau đó vẫn chuyển phòng
nhưng Vi khá vui bởi các bạn đều đối đãi với nhau bằng sự văn minh và tử
tế để lắng nghe nhau. "Nếu thời gian quay trở lại, em nghĩ bản thân sẽ
kiên nhẫn thêm một chút nữa để thích nghi với cách sống mỗi bạn nhiều
hơn", nữ sinh chia sẻ.
Như vậy, giai đoạn học nội trú trước tuổi 18
có thể tạo lớp đệm cho học sinh. Lúc này, nhà trường và cha mẹ đồng hành
đứng ngoài quan sát, hỗ trợ kịp thời, giúp các em tự lập, rèn luyện kỹ
năng vượt qua các khó khăn, đối mặt với các thách thức để "chín" đúng
hướng.
"Lớp đệm càng dày càng giúp cám em trưởng
thành để tự tin đặt chân đến vùng đất mới du học, bước vào đại học hay
lựa chọn cuộc sống mới sau tuổi 18 mà không bỡ ngỡ", đại diện trường
THPT FPT Cần Thơ khẳng định