Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu - tốt nghiệp Tiến
sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, đã hào hứng chia sẻ bài văn của cậu
con trai học lớp 3 trên trang cá nhân Facebook và nhận được sự yêu thích
của mọi người.
Con trai lớp 3 tả mẹ là loài hoa "hiếm có, khó để trồng"
Đề bài yêu cầu: "Em hãy tưởng tượng mẹ em là một loài hoa và miêu tả nó".
Trước khi bắt đầu viết bài, bé Bon (tên ở nhà của con trai chị Thu)
đã hỏi mẹ: "Mẹ ơi, mẹ thích màu nào nhất ạ?". Chị Thu vui vẻ đáp: "Mẹ
thích màu vàng nhất". Và sau đó, một loài hoa có màu vàng chóe trong
tưởng tượng của bé Bon đã ra đời.
Nguyên văn bài tập làm văn của cậu học trò nhỏ tuổi:
"Nếu như có một loài hoa giống mẹ thì em nghĩ rằng nó sẽ tươi
sáng và nó sẽ màu vàng chói. Có thể cánh hoa sẽ bé và nụ hoa sẽ to. Và
có khi nó rất hiếm có và khó để trồng.
Nếu như nó có một mùi thơm đặc biệt và dịu nhẹ. Và loài hoa đó
cũng có thể có khả năng kỳ diệu là có thể làm cho chúng ta đỡ buồn. Cánh
hoa của nó có thể rất thon thả và mềm mịn. Nếu có được loài hoa như thế
em sẽ rất bất ngờ. Nếu có em sẽ rất vui".
Mới học lớp 3 nên cách hành văn của Bon vẫn còn chưa sắp xếp ý một
cách rõ ràng. Nhưng ai cũng công nhận cậu bé có sự sáng tạo, tưởng tượng
phong phú, viết văn với lời lẽ tràn đầy yêu thương và mang đến nguồn
năng lượng tích cực cho mọi người.
Ngay dưới bài đăng, nhiều người "thả tim" bày tỏ sự thích thú với bài văn đầy hình ảnh của bé Bon:
- "Ôi bạn Bon chọn lọc từ chuẩn, vì là tưởng tượng nên bạn thêm mấy lần từ "có thể". Từ ngữ rất hay!".
- "Em thích cách Bon không tả mẹ giống một loài hoa nào mà là một loài hoa do Bon tự nghĩ ra và tả đúng về mẹ".
- "Ngoài yếu tố "hiếm có khó trồng" thì khá là giống hoa mặt trời. Mẹ là mặt trời của em lại đúng luôn".
- "Bon phải yêu mẹ lắm mới nghĩ ra được loài hoa như thế".
- "Đọc là biết con yêu mẹ như thế nào rồi"...
Nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ nhỏ
Chị Thu chia sẻ, bản thân cảm thấy rất hạnh phúc khi nuôi dạy được
một em bé sống tình cảm và tự tin như vậy. Người mẹ trẻ cũng "bật mí"
thêm, để con tự tin thể hiện suy nghĩ thì bản thân chị đã có quá trình
nuôi dưỡng, bồi đắp cho con từ khi con còn nhỏ.
Chị nói: "Tự tin không phải là lúc nào bạn cũng phải thể hiện mình
luôn giỏi, luôn đúng, luôn làm tốt mọi việc trước mặt con. Bạn có thể
cho con thấy mình yếu đuối, thất bại, có thể khóc trước mặt con vì thất
bại của mình, có thể nói cho con những cảm xúc tồi tệ mình trải qua để
con đồng cảm và nhìn thấy sự "dũng cảm" đằng sau cái "yếu đuối" đó của
mẹ.
Tự tin là dám làm mà không sợ mình bị sai, tự tin là biết điểm mạnh
và điểm yếu của bản thân để nỗ lực cải thiện. Tự tin chính là thái độ
của bạn với bản thân và với cuộc sống.
Bí quyết để tạo nên tự tin cho bản thân chính là cảm giác từng chút
một đạt được những mục tiêu đề ra, thì với con trẻ bạn cũng nên áp dụng
điều đó.
Những cô giáo mầm non dạy Bon hồi còn ở Nhật Bản
đã chia sẻ với mình rằng, việc kiên trì dạy cho trẻ tầm 1- 2 tuổi biết
tự múc từng thìa cơm, tự đeo yếm, tự đi tất, đi giày, mặc quần áo…chính
là từng trải nghiệm nho nhỏ để nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin".
Bởi thế, mỗi khi dạy con bài học về sự tự lập, chị đều khích lệ, ghi
nhận sự cố gắng của con. Chẳng hạn: "A, Bon tự ăn được rồi này", "Bon tự
đi giày được rồi đấy"... Những khi con đạt được điều gì đó, vị phụ huynh này sẽ vỗ tay khen ngợi: "Bon cố gắng lắm" rồi ôm con vào lòng.
Chị khẳng định, mỗi sự nỗ lực của con để đạt được điều gì đó, ví dụ
như tự kéo quần, loay hoay xỏ tất, tự mặc áo… chính là trải nghiệm để
nuôi dưỡng cho con sự tự tin.
Phụ huynh này cũng nhấn mạnh: "Giai đoạn tiểu học trẻ rất cần được
chú trọng rèn luyện kỹ năng và hình thành thói quen tốt, mà việc đầu
tiên là nhận thức về thời gian và kỹ năng sắp xếp thời gian hợp lý, tự
lên lịch công việc cho mình. Cho đến giờ Bon chưa hoàn toàn có thể làm
tốt nhưng mình vẫn luôn kiên trì với mục tiêu đó hàng ngày.
Việc cha mẹ nhận biết được đâu là "điều quan trọng nhất với con ở
giai đoạn này" là kim chỉ nam vô cùng quan trọng cho định hướng nuôi dạy
con".