Tại ngày hội tuyển sinh
Open day diễn ra tại Đại học Hà Nội (ĐH) ngày 3/3, ông Nguyễn Tiến
Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2024, trường dự kiến
tuyển sinh 28 chương trình cử nhân hệ đào tạo chính quy với tổng số
3.300 chỉ tiêu.
Năm 2024, Đại học Hà Nội mở thêm hai ngành mới là
ngôn ngữ Anh tiên tiến và công nghệ tài chính. Các chương trình chất
lượng cao chuyển thành chương trình tiên tiến gồm: Ngôn ngữ Trung, ngôn
ngữ Hàn, ngôn ngữ Italia, công nghệ thông tin, quản trị dịch vụ du lịch
và lữ hành.
Phương thức tuyển sinh năm 2024 cơ bản giữ nguyên gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục
và Đào tạo (gồm cả ưu tiên xét tuyển thẳng); xét tuyển kết hợp theo quy
định của Trường Đại học Hà Nội; xét tuyển dựa trên kết quả của kì thi
tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bên
cạnh các phương thức xét tuyển hệ chính quy trên, Trường Đại học Hà Nội
còn phương thức xét tuyển bằng học bạ và trình độ tiếng Anh đối với các
chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài.
Tất cả các ngành ở
Trường Đại học Hà Nội đều được đào tạo bằng ngoại ngữ nên điểm thi tốt
nghiệp môn ngoại ngữ sẽ được nhân đôi, trừ 4 chương trình là công nghệ
thông tin, công nghệ thông tin tiên tiến và truyền thông đa phương tiện,
công nghệ tài chính, điểm ngoại ngữ chỉ tính hệ số 1.
Cũng như
các năm trước, năm 2024 Trường Đại học Hà Nội không có tiêu chí phụ khi
xét tuyển đại học hệ chính quy bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh
chỉ tốt nghiệp cấp 3, đủ điểm chuẩn vào ngành đăng ký theo thứ tự nguyện
vọng từ trên xuống sẽ đỗ.
Nhà trường duy trì việc tuyển thẳng
theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối tượng để xét tuyển thẳng
là dành cho các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia và quốc tế
(giải ba quốc gia trở lên)…;
Về phương thức xét tuyển kết hợp,
theo cô Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, nhà
trường dự kiến xét tuyển các đối tượng sau:
Đối tượng 1: Thí sinh là học sinh THPT có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Đối tượng 2:
Thí sinh là học sinh THPT có kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc
gia Hà Nội đạt từ 105/150; của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
đạt từ 850/1200 và kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội
từ 21/30 (tổ chức trong năm học 2023 - 2024) .
Đối tượng 3:
Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 và có kết quả thi chuẩn hóa SAT
(Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ); hoặc có kết quả thi ACT (American
College Testing, Hoa Kỳ); hoặc có chứng chỉ A-Level của Trung tâm Khảo
thí Đại học Cambridge, Vương quốc Anh.
Đối tượng 4: Thí sinh là học sinh các lớp chuyên, lớp song ngữ thuộc trường THPT chuyên theo danh sách.
Đối tượng 5:
Thí sinh đạt giải nhất-nhì-ba cấp tỉnh/thành phố năm học 2023 - 2024;
thành viên đội tuyển HSG cấp quốc gia năm học 2022 - 2023 và năm học
2023 - 2024; tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ
GD&ĐT tổ chức trong năm học 2023 - 2024; tham dự vòng thi tháng cuộc
thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam trong năm học
2023 - 2024.
Để được tham gia xét tuyển kết hợp, các thí sinh
thuộc các đối tượng vừa kể trên cần phải đạt 3 tiêu chí (dự kiến) nữa
là: Tốt nghiệp THPT năm 2024; điểm trung bình chung học kì môn ngoại ngữ
của 5 học kì bậc THPT (trừ học kì 2 lớp 12) đạt từ 7,0 trở lên; điểm
trung bình chung 5 học kì bậc THPT (HK1L10 + HK2L10 + HK1L11 + HK2L11 +
HK1L12)/5 đạt từ 7,0 trở lên.
Riêng các thí sinh có bài thi chuẩn
hóa của nước ngoài thì phải có điều kiện như sau: Thí sinh tốt nghiệp
THPT năm 2024 và có kết quả thi: Chuẩn hóa SAT đạt từ 1100/1600 điểm trở
lên và còn thời hạn tính đến ngày nộp hồ sơ; ACT đạt từ 24/36 điểm trở
lên và còn thời hạn; chứng chỉ A-Level sử dụng kết quả 3 môn để thay thế
cho 3 môn xét tuyển của ngành học đăng ký, mức điểm mỗi môn đạt từ
60/100 điểm trở lên.
Chỉ cần có điểm như thế này, là các thí sinh
được nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức kết hợp mà không cần các tiêu
chí khác nữa.