Đại học Công nghiệp Hà Nội lập ban cố vấn doanh
nghiệp nhằm cải thiện chương trình, hạn chế việc sinh viên ra trường vẫn
phải "đào tạo lại".
Ngày 22/4, Đại học Công nghiệp Hà Nội ra mắt ban cố
vấn doanh nghiệp cho năm chương trình đào tạo, gồm Công nghệ kỹ thuật cơ
khí, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật điện
tử viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử.
Các
chương trình này định hướng theo các tiêu chuẩn kiểm định ABET - bộ
tiêu chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ (Mỹ). Trong đó,
nhiều tiêu chuẩn về khả năng của sinh viên, mục tiêu và chương trình đào
tạo, cơ sở vật chất, hỗ trợ của trường đại học.
Theo
TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tiêu
chuẩn mục tiêu đào tạo mô tả khả năng của người học sau 3-5 năm tốt
nghiệp. Điều này buộc trường đại học phải tạo ra những cử nhân, kỹ sư có
năng lực phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, khớp với những gì doanh
nghiệp mong muốn như đối với nhân sự đã làm việc được 3-5 năm.
"Nhà trường phải đào tạo được các nhân sự sao cho doanh nghiệp sử dụng ngay mà không cần phải đào tạo lại", ông Thực nói.
Để
làm được điều đó, theo ông Thực, nhà trường lập ban cố vấn doanh nghiệp
cho năm ngành với 88 thành viên, đại diện cho 82 doanh nghiệp. Đây đều
là những chuyên gia có thực tiễn về chuyên môn, có kinh nghiệm làm việc
với sinh viên, hiểu biết thị trường lao động và mong muốn đóng góp cho
giáo dục.
Bà Phạm Thị Thu Trang, Trưởng phòng Tuyển
dụng và Đào tạo, công ty Nissan Automotive Technology, thành viên ban
cố vấn Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, nói việc khảo sát ý kiến nhà tuyển
dụng được nhiều trường đại học quan tâm hơn trong ba năm gần đây. Công
ty này hiện có 2.700 nhân viên, tuyển dụng khoảng 300-400 lao động kỹ
thuật mỗi năm.
Từng tham gia kiểm định ABET ở nhiều
trường khối kỹ thuật, theo bà Trang, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
đưa ra lộ trình rõ ràng hơn cả về việc các doanh nghiệp sẽ tham gia thế
nào vào chương trình đào tạo. Cụ thể, trước mắt, trường muốn rà soát lại
chương trình, khảo sát thực tế để tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, giáo viên của trường có thể tham gia vào doanh nghiệp để nắm
bắt thực tế về truyền đạt cho sinh viên.
"Doanh
nghiệp sẽ tham gia sâu hơn vào đào tạo, chia sẻ thông tin, kết nối, hỗ
trợ về thực tập, việc làm cho sinh viên", bà Trang nói.
Ngoài
ra, chuyên gia từ doanh nghiệp có thể tham gia giảng dạy hoặc hội thảo
khoa học; tài trợ dự án, giải thưởng nghiên cứu của sinh viên.
Hiện, một số trường cũng thành lập ban cố vấn doanh nghiệp như Đại học Lạc Hồng, Đại học Công nghiệp TP HCM.
Nhiều
trường khác có xu hướng mở rộng kết nối với doanh nghiệp thông qua tổ
chức các ngày hội việc làm. Chẳng hạn như tại Đại học Bách khoa Hà Nội,
Học viện Ngân hàng, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội,
ngày hội việc làm được tổ chức thường niên vào khoảng tháng 4-5, thời
điểm sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Tại đây, nhiều doanh nghiệp tham
gia, chia sẻ kinh nghiệm và phỏng vấn tìm kiếm ứng viên phù hợp