Tại
Hội thảo quốc tế "Nghiên cứu - Giảng dạy tiếng Tây Ban Nha như một
ngoại ngữ tại Việt Nam" do Đại học Hà Nội tổ chức ngày 12/4, bà Laura
Fernández cho biết, tiếng Tây Ban Nha hiện là một trong những ngôn ngữ
chính thức ở Liên Hợp Quốc và là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ ba trên
mạng Internet.
Do vậy Bộ Ngoại giao, Hợp tác và Liên minh châu Âu đặt việc quảng bá tiếng Tây Ban Nha ở vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại.
Đại
sứ quán, thông qua các chương trình tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát
triển Quốc tế Tây Ban Nha AECID, đã hỗ trợ cho các dự án thúc đẩy việc
dạy và học tiếng Tây Ban Nha tại Việt Nam.
Trong đó, có thể kể đến
dự án từ điển song ngữ Tây - Việt do Khoa Biên Phiên dịch trường Đại
học Valladolid tại Soria thực hiện, khóa học trực tuyến Thạc sĩ giảng
dạy Ngôn ngữ và Văn hóa Tây Ban Nha do Đại học Rey Juan Carlos phối hợp
cùng Trường Đại học Hà Nội thực hiện, dự án hỗ trợ cho bộ môn tiếng Tây
Ban Nha của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí
Minh.
Thống kê của ĐH Hà Nội, nếu năm 2021, khoảng 78% tỷ lệ sinh viên ngành ngôn ngữ này có việc làm thì năm 2022, tỷ lệ tăng lên gần 93%.
Trả lời phóng viên Dân trí,
Th.S Nguyễn Hà My, Phó Trưởng Khoa Tiếng Tây Ban Nha, Trường Đại học Hà
Nội, cho biết nhu cầu học tiếng Tây Ban Nha những năm gần đây đang ngày
càng tăng cao.
Cụ thể, số lượng sinh viên đăng ký vào khoa này luôn vượt quá so với chỉ tiêu. Nếu trước năm 2017, khoa chỉ tuyển sinh
50 sinh viên, hiện nay con số này duy trì ở mức 100 do nhu cầu thị
trường nhân lực ngôn ngữ này đang tăng, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Sau
khi ra trường, người học ngôn ngữ này có thể công tác trong một số lĩnh
vực như: Du lịch, ngoại giao, biên - phiên dịch, giảng dạy, thương mại,
báo chí và truyền thông.
Tại
hội thảo, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, nhìn
nhận đây là sự kiện khoa học quan trọng, là dịp để các nhà nghiên cứu,
giảng viên, cùng nhau thảo luận những ý tưởng mới, gợi mở, đề xuất những
kiến giải độc đáo, những bước đi, biện pháp hữu ích cho tiến trình phát
triển và lan tỏa ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Việt Nam.
Việc quy tụ
đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tại một diễn đàn khoa
học lớn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy việc nghiên cứu về giảng dạy
ngôn ngữ Tây Ban Nha, từng bước mở rộng và đi vào chiều sâu, phát triển
theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa ngôn ngữ, văn hóa và hội nhập quốc tế.