Nỗi
lo con hư được củng cố liên tục bởi các dữ liệu xã hội đầy bất an, bạo
lực mà cha mẹ tiếp xúc hàng ngày thông qua truyền thông. Không ít cách
thức đối xử hay suy nghĩ, mất lòng tin vào con được phóng chiếu vào các
bậc cha mẹ thông qua cách hành xử thường ngày.
Họ thiếu lòng tin ở
con, hay phán xét, bóc mẽ con. Trong khi con trẻ hồn nhiên, chơi trốn
tìm chỉ cần úp mặt vào gối, không thấy mặt nhau đã là trốn xong rồi. Con
khôn lỏi một tí, ma lanh một tí, thậm chí gian dối một tí, đúng ra chỉ
nên biết để mà lờ đi, thì phần đa cha mẹ bóc trần con ra, làm đứa trẻ
không còn nơi nào trú ẩn, không còn cái gối để che dấu.
Họ biến từ phê phán sự việc thành ra phê phán con người, hành vi ma lanh một việc nhỏ có thể bị quy thành vấn đề đạo đức.
Và
điều đau lòng nhất mà nhiều người lớn hay gặp phải là gán tội con dựa
trên các dữ liệu bị ám thị, được củng cố bằng lời nói của người khác, kẻ
không chắc đã có tình thương, thấu hiểu hay quan tâm gì đến con cái
bạn.
Chuyện
kinh điển xưa có kể, một bà mẹ đang ngồi dệt vải, ngoài ngõ có người
mách con bà giết người, bà mẹ ngồi ung dung. Lại có người khác đến mách
bà con bà giết người, bà mẹ vẫn ngồi dệt vải. Lại có người vào tận nhà
mách con bà giết người, bà mẹ vẫn ngồi dệt vải.
Rồi người ta vào tận khung cửi nói con bà giết người, bà mẹ mất đi vẻ ung dung, ngồi thiếu tĩnh tại, thoi dệt bắt đầu không đều.
Cứ thế, cho đến khi không thể điềm nhiên được nữa, bèn ném thoi, dừng dệt, rồi lao ra đường.
Yêu con không ai bằng mẹ.
Tin con không ai bằng mẹ.
Và hiểu con cũng hiếm người bằng.
Vậy mà, bà mẹ đã làm sao?
Câu
chuyện này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó cho thấy mức công phá,
tàn hại ghê gớm của lời đồn, của phán xét tác động đến "bên nguyên" và
"bên bị" ghê gớm đến thế nào. Nó làm cho ngay cả một người mẹ còn không
tin được con thì hỏi có điều gì ghê gớm hơn?
Nguyên lý được ông tổ ngành truyền thông chính trị hiện đại thế giới, Joseph Goebbels, áp dụng vào công tác truyền thông.
Ông
ta là trùm truyền thông Đức quốc xã, không những là bậc thầy về tầm
nhìn và mức độ am hiểu, hoạch định chiến lược và phương thức tuyên
truyền của thế kỉ 20, mà còn là người khai mở ra giá trị của quảng cáo
đối với sự gia tăng doanh số của sản phẩm, khi nói: "Sự thật là những
điều dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần".
Đó chính là khẩu quyết bất diệt của quảng cáo.
Nghĩa là muốn một điều gì đó người ta tin là đúng, như làm cho mẹ tin con mình giết người, hãy nói về nó thật nhiều lần.
Cá
nhân tôi tin rằng, trong mối quan hệ với con cái, nếu chúng ta có đủ 3
điều này thì không bao giờ có chuyện con bạn trở nên xấu, hoặc có xu
hướng xấu, mà bạn lại biết sau thiên hạ cả: Một là không ác, không làm
việc phi pháp, có tâm trí, nhân phẩm, lối sống, công việc và hành động
hướng tới điều trung chính, thiện lành; hai là có đủ thời gian bên con
khi con cần; ba là thấu hiểu con không đổi theo thời gian.
Nên hãy cho con lòng tin. Hãy tin một điều, chúng ta không xấu, con cái chúng ta rất khó để trở nên xấu xí.
Nên
nếu không thận trọng, không tỉnh táo suy xét, thì rất dễ đẩy những đứa
trẻ rời xa chúng ta, sang một thái cực khác, đó là thái cực bị ám thị
bởi miệng lưỡi người đời, phóng chiếu qua cha mẹ, rồi gán vào các con
mình. Khi bị gán, bị định kiến, bị phán xét, thì dẫu các con có không
xấu, chúng cũng sẽ xấu cho chúng ta vừa lòng.
Và
cho dẫu có thể trở nên tốt hơn, nhưng chúng sẽ không bao giờ lựa chọn,
nếu trong cách cửa đó, không có lòng tin, không có sự khích lệ và có quá
nhiều phán xét.
Sự khác biệt lớn nhất giữa yêu thương và nhân
danh yêu thương là cây cầu phán xét. Yêu thương không bao giờ cần đến,
nhưng nhân danh nó thì luôn luôn.
Bạn sẽ không bao giờ tin rằng
một đứa trẻ có thể nhảy lầu chỉ vì vài lời mà cha mẹ cho là vu vơ nhưng
chúng cho là gán tội, là dán nhãn cho nhân cách chúng cho đến khi sự
việc xảy ra.
Nên hãy yêu thương con như con vốn là. Đừng yêu thương vì thứ chúng ta muốn con phải. Cha mẹ sẽ thấy dễ dàng hơn.