Đó
là một trong số những ý kiến chỉ đạo của ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Lễ Bế giảng khóa học và trao
bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp khóa
14, niên khóa 2020 - 2023 của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ,
được diễn ra vào sáng 14/4.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê
Tấn Dũng bày tỏ sự vui mừng trước những đổi thay của nhà trường. Đó là
cơ sở vật chất, cảnh quan, khuôn viên, cơ sở hạ tầng ngày một khang
trang, sạch đẹp, từng bước hiện đại; các loại hình đào tạo ngày một đa
dạng, phong phú, chất lượng.
Những kết quả đó cho thấy hướng đi để phát triển bền vững, mạnh mẽ của nhà trường vì mục tiêu của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tin cậy, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các em học sinh, sinh viên đã hoàn thành khóa học.
"Tôi tin tưởng các em sau khi tốt nghiệp sớm tìm được việc làm
đúng nguyện vọng, đúng chuyên ngành đã được đào tạo, phát huy tinh thần
nhiệt huyết của tuổi trẻ, đem những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị
trong trường để ứng dụng một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất góp phần
xây dựng và phát triển xã hội.
Nhân đây, chúc các em học sinh
trung cấp, tiếp tục học lên cao đẳng liên thông khóa 17 hoàn thành khóa
học để được cấp bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng và công nhận danh hiệu
kỹ sư/cử nhân thực hành", ông Lê Tấn Dũng nói.
Nhân
dịp này, Thứ trưởng đề cao sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính
quyền địa phương dành cho nhà trường, mối liên kết chặt chẽ giữa nhà
trường và doanh nghiệp
trong công tác đào tạo; doanh nghiệp tiếp nhận nhà giáo và học sinh,
sinh viên đến học hỏi, thực tập; đề xuất, kiến nghị cho trường những kỹ
năng, công nghệ cần cập nhật trong chương trình đào tạo phù hợp với thực
tế sản xuất và yêu cầu tuyển dụng lao động.
Sự phối hợp của nhà
trường với các trường THCS, THPT trên địa bàn trong công tác tư vấn,
hướng nghiệp và tuyển sinh cũng đã giúp tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo
ông Lê Tấn Dũng, muốn có chất lượng GDNN cao thì không chỉ chú tâm đào
tạo để tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao mà cần phải lựa chọn
những ngành nghề có tính chất tiên phong, mở đường, đào tạo những lĩnh
vực mà trường có thế mạnh.
Thứ trưởng chỉ đạo Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một
là, tiếp tục tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ
vào trong công tác đào tạo và công tác quản trị trường; xây dựng, cập
nhật, chuẩn đầu ra các nghề theo khung trình độ quốc gia và được tích
hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi
số.
Hai
là, tăng cường khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động
để xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng, học liệu… thực
sự chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường; quan tâm, chú trọng
đầu ra để nâng cao hơn nữa tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc
làm phù hợp với thu nhập tốt.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ
nhà giáo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; để
doanh nghiệp cũng là môi trường đào tạo thứ hai cho người học và nhà
trường phát triển theo mô hình nhà máy thông minh; đa dạng đầu tư các
loại hình dịch vụ, nhất là hoạt động dịch vụ nâng cao đơn đặt hàng đào
tạo, liên kết đào tạo… của các doanh nghiệp
Ba
là, xây dựng chiến lược phát triển nhà trường với thời gian, lộ trình
phù hợp; trong đó nhấn mạnh những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, bồi
dưỡng nhân tài; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển, phấn đấu trở
thành địa chỉ đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại Hà Nội nói
riêng và khu vực miền Bắc nói chung.
Phát biểu tổng kết tại Lễ Bế
giảng, ông Đặng An Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công
nghệ điểm lại một số nét chính trong quá trình đào tạo của khóa học
2020-2023.
Khóa
học này có 894 học sinh, sinh viên nhập học và đào tạo của 12 nghề,
gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và Điều
hòa không khí, Cơ Điện tử, Công nghệ Ô tô, Cắt gọt kim loại, Hàn, Quản
trị mạng máy tính, Lắp ráp sửa chữa máy tính, May thời trang, Kỹ thuật
chế biến món ăn và nghề Kế toán doanh nghiệp.
Chương trình Cao
đẳng có thời gian học tập từ 2 đến 2,5 năm với 3 khối kiến thức kỹ năng
cơ bản, gồm: Khối kiến thức các môn học chung bắt buộc, khối kiến thức
kỹ năng chuyên môn theo nghề và khối kỹ năng thực tập tại các doanh
nghiệp.
Với học sinh trung cấp, đầu vào là
học sinh tốt nghiệp THCS, vì vậy nhà trường đã phối hợp với Trung tâm
Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDTX) đào tạo song song 2
chương trình: Chương trình văn hóa THPT hệ GDTX và chương trình trung
cấp, đảm bảo sau 3 năm học, học sinh ra trường được cấp cả bằng tốt
nghiệp trung cấp và THPT Quốc gia.
Hiện tại, quy mô đào tạo chương
trình văn hóa THPT hệ GDTX của trường tương đương với một trường THPT
công lập với số lượng 40 lớp học, gần 1900 học sinh.
Ông Đặng An
Bình cho biết, kết thúc khóa học, có 748/756 học sinh, sinh viên đạt yêu
cầu được tốt nghiệp (đạt 98,94 %). Trong đó, loại Giỏi có 71 em, loại
Khá có 423 em, loại Trung bình - Khá có 246 em, loại Trung bình có 8 em
và 8 em không được công nhận tốt nghiệp.
"Trong khóa học, nhà trường đã cấp
học bổng và phần thưởng khuyến khích học tập cho 129 lượt học sinh, sinh
viên khóa 14, với tổng số tiền là hơn 536 triệu đồng; 193 lượt học
sinh, sinh viên được khen thưởng với tổng số tiền là 74 triệu đồng; 10
lượt học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ được trợ cấp 12 tháng/năm với mức 100
nghìn đồng/tháng, tổng tiền trợ cấp là 12 triệu đồng.
Ngoài ra,
để động viên, khuyến khích học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia
đình mồ côi cả cha lẫn mẹ đang học tập tại trường khắc phục khó khăn và
vươn lên trong học tập, nhà trường đã thực hiện miễn giảm học phí văn
hóa THPT cho 62 học sinh 9+ theo chính sách ưu đãi riêng của trường, với
tổng số tiền hơn 73 triệu đồng", ông Đặng An Bình thông tin