Lai Châu là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 26-27/5 với ba môn: ngữ văn, tiếng Anh, toán.
Trong
khi đó, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Trung tổ chức kỳ thi lớp 10
công lập, diễn ra trong 1 ngày 30/5 với hai môn: toán, ngữ văn. Đây cũng
là 1 trong số ít địa phương trên toàn quốc chỉ thi 2 môn.
Đáng
chú ý, đề thi môn ngữ văn, phần nghị luận văn học, cả hai tỉnh đều chọn
ngữ liệu là trích đoạn thơ trong bài "Viếng lăng Bác" của tác giả Viễn
Phương.
Đề thi của tỉnh Lai Châu chọn 2 khổ thơ đầu của bài. Còn
đề thi của tỉnh Quảng Trị chọn 2 khổ thơ giữa. Do đó, hai đề thi trùng
lặp ở khổ thơ thứ 2 của bài.
Có
24 tác phẩm trong chương trình lớp 9 môn ngữ văn mà học sinh cần học để
thi vào lớp 10, trong đó có 17 tác phẩm trọng điểm. Do đó, việc trùng
ngữ liệu nghị luận văn học trong đề thi của các tỉnh là điều tất yếu xảy
ra.
"Viếng lăng Bác" cũng là tác phẩm vào đề thi lớp 10 môn ngữ văn của Hà Nội năm 2020.
Trong
ba năm 2021, 2022 và 2023, đề thi văn lớp 10 của Hà Nội lần lượt có các
tác phẩm: "Đồng chí" (nhà thơ Chính Hữu), "Mùa xuân nho nhỏ" (nhà thơ
Thanh Hải) và "Những ngôi sao xa xôi" (nhà văn Lê Minh Khuê).
Ngoài
Lai Châu và Quảng Trị, hai tỉnh thành khác cũng tổ chức kỳ thi lớp 10
công lập vào cuối tháng 5 là Bạc Liêu (23/5) và Bình Dương (31/5). Đề
thi ngữ văn, phần nghị luận văn học của hai tỉnh này vào trích đoạn tác
phẩm "Làng" (nhà văn Kim Lân) và "Bếp lửa" (nhà thơ Bằng Việt).
Ở
phần nghị luận xã hội, các chủ đề đã được đưa vào đề thi môn ngữ văn của
4 tỉnh nói trên gồm: ký ức tuổi thơ, tình cảm gia đình, tinh thần lạc
quan và vai trò của thiên nhiên với cuộc sống con người.
Đây cũng là những chủ đề quen thuộc, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh cấp 2.