Đa số sinh viên tìm việc qua Facebook, không biết các kênh tuyển dụng uy tín
Báo cáo đánh giá hiệu quả đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn nghề nghiệp đã được công bố tại tọa đàm khoa học "Nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam" sáng 28/2.
Đây
là kết quả nghiên cứu do hai nhóm thực hiện dự án của Việt Nam và Đan
Mạch tiến hành trong 4 năm 2020-2024. Chịu trách nhiệm là Giáo sư Finn
Tarp đến từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Theo kết quả khảo sát
thí điểm năm 2018 trên khoảng 1200 sinh viên đến từ 21 trường cao đẳng
nghề ở Hà Nội và khảo sát năm 2020 trên 69 nhà tuyển dụng, sinh viên cao
đẳng nghề ra trường không có kỹ năng cần thiết trên thị trường lao
động.
Bên
cạnh đó, sự không phù hợp giữa sinh viên và việc làm, giữa sinh viên và
nhà tuyển dụng khiến tỷ lệ việc làm và tỷ lệ duy trì việc làm thấp.
Nhóm
nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên với các trường
cao đẳng nghề ở Hà Nội và Bắc Ninh để đánh giá hiệu quả của hai biện
pháp can thiệp nhằm cải thiện triển vọng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Nghiên cứu được thực hiện với 3.352 sinh viên của 31 trường cao đẳng và 154 chuyên ngành.
Đại diện Manpower Group - một trong hai doanh nghiệp
tham gia đào tạo miễn phí cho sinh viên - cho biết, có đến 40% sinh
viên chưa biết cách tạo hồ sơ xin việc (CV) trực tuyến, thậm chí chưa
từng viết CV.
80% sinh viên chưa biết về các công cụ thiết kế CV
phổ biến như Canva, TopCV… Đa số sinh viên tìm việc qua Facebook mà
không biết đến các kênh tuyển dụng việc làm uy tín như TopCV,
Careerlink, Careerbuilder, Linkedin, các chương trình tuyển dụng thực
tập sinh… 70-80% sinh viên yếu về kỹ năng phỏng vấn xin việc.
Đơn
vị này cũng báo cáo thêm, hầu hết sinh viên tham gia chương trình tư vấn
nghề nghiệp 1-1 không có mục tiêu nghề nghiệp hoặc mục tiêu nghề nghiệp
không rõ ràng. 70-80% sinh viên chưa nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu
của bản thân. 70% sinh viên gặp khó khăn về giao tiếp trong lần thực
tập đầu tiên.
Đề xuất đưa kỹ năng mềm thành môn học chính khóa 3 tín chỉ
Kết
thúc quá trình đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn nghề nghiệp, mặc dù chưa
có sự khác biệt rõ ràng về cơ hội tìm việc làm giữa nhóm được can thiệp
và nhóm không được can thiệp, tỷ lệ sinh viên được đào tạo dường như có
tham vọng hơn, dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm một công việc tốt
và có mục tiêu nghề nghiệp hơn.
Một đơn vị khác tham gia đào tạo
cho dự án là Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục Nova đưa ra kiến nghị:
Cần tổ chức đào tạo kỹ năng mềm thiết yếu như một môn học chính khóa
nhằm giúp sinh viên giáo dục nghề nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh
trên thị trường lao động.
Cụ thể, đơn vị này đề xuất giải pháp
triển khai môn học kỹ năng mềm với thời lượng 3 tín chỉ (tương đương
8-10 buổi đào tạo), quy mô 30-50 học viên/lớp.
Nội dung đào tạo
tập trung vào 7 nhóm kỹ năng gồm: kỹ năng nhận thức, kỹ năng làm chủ cảm
xúc, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng làm việc, kỹ năng quản lý, kỹ
năng lãnh đạo và kỹ năng khởi nghiệp.
Đại
diện công ty Manpower Group đưa thêm khuyến nghị: cần tích hợp định
hướng nghề nghiệp vào quy trình tuyển sinh trước khi nhập học tại các
trường nghề. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp trọng điểm,
các tập đoàn lớn đầu tư vào định hướng nghề nghiệp từ bậc THPT.
Ông
Nguyễn Văn Huy - đại diện Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - cho
biết, từ năm 2019, đơn vị này đã đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào
tạo chính khóa. Hiện tại, nội dung đào tạo kỹ năng mềm của trường được
tổ chức theo hình thức doanh nghiệp đào tạo.
Trước đó, từ năm
2018, trường đã tổ chức các buổi đào tạo ngoại khóa về kỹ năng giao
tiếp, kỹ năng ứng xử, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp quản lý
kinh tế, quản lý thời gian, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng viết CV,
kỹ năng phỏng vấn xin việc…
Bằng việc theo dõi các khóa sinh viên
tốt nghiệp trong vòng 6 tháng đầu tiên sau khi ra trường, ông Huy cho
hay, việc triển khai đào tạo kỹ năng mềm đã bước đầu cho thấy hiệu quả
trong việc tìm kiếm việc làm và duy trì việc làm của sinh viên.