Mới
đây, đề thi học kỳ II môn ngữ văn 9 của huyện Thường Tín, Hà Nội có dẫn
một đoạn trích mang tên "Hãy học cách đứng lên sau vấp ngã". Đoạn trích
ghi nguồn "vietgiaitri...".
Nguyên văn đoạn trích như sau:
"Bất
cứ ai cũng đã từng thất bại, đã từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời
như một quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực
dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra,
nhưng cũng có nhiều người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí
do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng "mắc bẫy" đến như thế…
Bất
kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng
giá: Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm
chủ nhân hay về một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã trao nhầm đối
tượng.
(...) Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn
còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên
mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không
gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn
lại trong quá khứ mà thôi…"
"Hãy
học cách đứng lên sau vấp ngã" là ngữ liệu quen thuộc trong nhiều đề
thi ngữ văn tại các tỉnh thành từ những năm 2015, 2016 đến nay. Đáng chú
ý, các đề thi đều không để tên tác giả, không dẫn nguồn của đoạn trích,
hoặc ghi nguồn "vietgiaitri..." hay "vietgiaitri ngày 4/6/2015".
Thực tế, đoạn trích này được đăng lần đầu ngày 4/8/2013 dưới bút danh Mạc Song Kỳ.
Mạc Song Kỳ là bút danh năm 17 tuổi của nhà văn Gari Nguyễn - tác giả của nhiều cuốn sách như: Nhắm mắt lại, thấy cả bầu trời; Vỡ vụn tuổi 20; Đã từng tồn tại, đã từng yêu thương; Là đánh mất hay chưa từng có; Cứ cười thôi mặc kệ đời; Yêu thử; Hãy nghe em nói; Trưởng thành lấy đi điều gì; Đời ngắn đừng khóc hãy tô son; Hẹn nhau ở một cuộc đời khác…
Gari Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Yến Phượng, sinh năm 1995 tại Đồng Nai.
Phóng viên Dân trí
đã liên hệ với nhà văn Gari Nguyễn. Từ Hoa Kỳ, cô xác nhận tản văn "Hãy
học cách đứng lên sau vấp ngã" do cô viết năm 17 tuổi, khi là học sinh
lớp 11. Thời điểm đó, Gari viết cộng tác cho nhiều tờ báo, trang tin
dành cho tuổi học trò.
Nhà văn Gari bày tỏ bất ngờ về việc tản
văn của mình được đưa vào nhiều đề thi ngữ văn trong nhiều năm nhưng dẫn
nguồn từ một trang mạng khác và không có tên tác giả.
"Các tác phẩm của tôi từng bị trích dẫn rất nhiều trên mạng xã hội mà không ghi nguồn. Thậm chí từng có tư liệu cốt truyện của tôi được sử dụng làm phim mà không xin phép.
Tuy
nhiên, trong trường hợp của tản văn "Hãy học cách đứng lên sau vấp
ngã", tôi nghĩ các thầy cô đã không tìm được link gốc của bài viết cũng
như tên tác giả chứ không phải cố ý không để tên.
Tôi rất bất
ngờ, nhưng vui vì đoạn văn của tôi có thể truyền cảm hứng tới nhiều
người, đặc biệt là được các thầy cô quan tâm và sử dụng làm một chủ đề
cho học sinh phân tích, tìm hiểu", nhà văn Gari nói.
Chia sẻ về
những trải nghiệm năm 17 tuổi để viết nên tản văn nhiều suy tư sâu sắc,
Gari thổ lộ tất cả đều là những chuyện cô đã trải qua hoặc chứng kiến.
"Một
bài toán đã áp dụng cách giải sai, lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay
một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã trao nhầm đối tượng là chuyện của
chính tôi và bạn bè tôi.
Thời phổ thông, tôi học khá tốt, luôn
đạt điểm cao. Nhưng một lần tôi bị 5 điểm toán vì áp dụng cách giải sai.
Với tôi đó là một điều rất tồi tệ.
Một lần tới nhà bạn chơi, tôi
gặp cảnh một người vay tiền của bố mẹ bạn đã không những không trả tiền
mà còn chửi bới, xúc phạm người đã giúp đỡ mình.
Và một người bạn
của tôi đã gửi gắm tình yêu cho một người đàn ông không xứng đáng. Sau
đó, cô ấy đã qua đời vì tai nạn giao thông.
Chứng kiến những câu
chuyện như vậy, ở tuổi 17, tôi cảm thấy rằng cuộc đời này luôn thường
trực rất nhiều điều không vừa ý hay những biến cố xảy đến với mình. Nếu
cứ cào xé bản thân về những lỗi lầm đã gây ra, hay trách móc chính mình
vì sự ngây thơ làm mình sập bẫy thì mình có thể đi tiếp được không?
Tôi
lớn lên trong một gia đình mà các chị rất thành công về học vấn và sự
nghiệp. Do đó, tôi luôn đặt ra áp lực cho mình, rằng mình phải đạt được
những điều này, điều kia để không thua kém các chị. Tôi không dám làm
sai một điều gì.
Nhưng trong quá trình trưởng thành, tôi đã sai rất nhiều, đã vấp ngã, tổn thương rất nhiều trước khi được như ngày hôm nay.
"Hãy học cách đứng dậy sau vấp ngã" là những điều tôi dặn dò chính mình ở tuổi 17", nhà văn Gari tâm sự.
Ở
tuổi 28, Gari Nguyễn là tác giả của 11 cuốn sách. Cô chuẩn bị in 2 cuốn
mới trong năm 2024. Năm 2023, Gari có 4 đầu sách cũ được tái bản. Độc
giả của cô phần lớn là phụ nữ và người trẻ.
Gari cho biết nghề
viết đã mang lại cho cô một khoản thu nhập khá dù không phải là nguồn
thu nhập chính. Hiện Gari làm việc trong lĩnh vực kinh tế - tài chính
nhưng cô xem văn chương là đam mê và là sự nghiệp của mình.