Trong
lễ kỷ niệm sáng 20/11, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại
học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ như trên cùng đội ngũ thầy cô giáo, về bổn
phận và trách nhiệm của nghề giáo.
"Trong thẳm sâu của mỗi người
đi dạy học đều muốn làm tốt nhất bổn phận của mình, muốn dồn hết tâm sức
và trí tuệ cho học sinh. Nhưng những khó khăn, vất vả, những ràng buộc
có khi đã lỗi thời, ảnh hưởng không ít đến mỗi chúng ta.
Giá như
mỗi thầy cô không quá lo lắng về cái ăn, cái mặc thì họ sẽ thanh thản
hơn trong tâm hồn và dành hết thời gian cho con trẻ thì tốt đẹp biết
nhường nào.
Mỗi chúng ta đến với nghề giáo một cách khác nhau,
nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều nặng tình
yêu thương con người và mong muốn làm cho thế hệ tương lai tử tế hơn,
khôn lớn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh, đất
nước giàu đẹp hơn", GS Minh nói.
GS.TS
Nguyễn Văn Minh năm nay 60 tuổi, quê Quảng Trị. Năm 2012, GS Minh được
bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đến nay.
Trước
đó, năm 1985, chàng thanh niên Nguyễn Văn Minh tốt nghiệp trường Đại
học Sư phạm Huế và lên Tây Nguyên, dạy Vật lý tại trường Cao đẳng Sư
phạm.
Chàng tân cử nhân miền Trung ngỡ ngàng bởi trong tâm trí
anh, Tây Nguyên chỉ được hình dung qua tác phẩm "Đất nước đứng lên" của
Nguyên Ngọc; qua tưởng tượng về những thảo nguyên bao la và những chú
ngựa hoang khao khát tự do tung vó giữa trời xanh và gió lộng.
"Lên
đó, tôi hiểu thế nào là đại ngàn, thế nào là mùa khô với gió gầm rú
suốt đêm thâu, như tiếng thổn thức của ngàn xưa vọng lại và nhìn những
cánh đồng một màu vàng úa xác xơ cây cỏ.
Tôi hiểu thế nào là mùa mưa, mưa như một túi nước bất chợt xé toạc và đổ xuống, trời như thật gần với tay đến được.
Ở
đó, tôi dạy cho học sinh dự bị người dân tộc Ê đê, Ba na, Jrai, Sê
đăng, Mơ nông, cả các em dân tộc Chăm từ Ninh Thuận lên học, các em học
sinh từ Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi…, theo gia
đình đi kinh tế mới.
Cũng như tôi, những người bạn cùng thời với
tôi, thiếu ăn, thiếu mặc, xác xơ như cỏ cây mùa khô Tây Nguyên vậy. Tây
Nguyên không như những gì mình hình dung. Đó là những năm tháng thử
thách cuộc đời, gian khổ vô cùng nhưng cũng đáng nhớ vô cùng.
Những
học sinh của tôi, chúng lạ lẫm với những điều trong sách vở, chúng hiền
lành và tình nghĩa như đất ba-zan, chúng mộc mạc và chân chất như cây
rừng hoang dại. Nhưng chúng đáng yêu đến vô cùng.
Tôi không cắt
nghĩa rành mạch được trong tôi đã lớn dần một tình yêu thương với học
trò hay đó là tình yêu với nghề nghiệp. Rồi tình yêu thương đó, lớn dần,
lớn dần, choán lấy trong tôi. Tình yêu thương ấy đã trở thành lẽ sống
đời người", GS Minh nhớ lại.
Theo GS Minh, mỗi đứa trẻ tiến bộ so với chính nó ngày hôm qua là rất đáng mừng.
Trọng trách của nhà giáo là giáo dục
cho mỗi trẻ hình thành về giá trị gia đình, chuẩn mực xã hội và ứng xử
trong thế giới hội nhập để khát khao làm chủ tri thức và hành động chân
chính.
Có đáng buồn không, khi những câu chửi thề, những lời nói tục tĩu đang diễn ra ngay tại cổng trường.
Nhắn
gửi tới toàn thể giáo viên, sinh viên của nhà trường, Hiệu trưởng
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói rằng, khó khăn, thiếu thốn, áp lực…,
sẽ bào mòn khát vọng chính đáng của mỗi thầy cô nhưng xin đừng để con
tim của mình nguội lạnh rồi thờ ơ với những phận đời và tương lai của
bao thế hệ.
Làm nhà giáo, bằng yêu thương lan tỏa yêu thương rồi yêu thương sẽ ươm mầm cho niềm tin sinh sôi nảy nở.
Vượt
lên trên nghèo khó; sự trưởng thành của các thế hệ sinh viên, của con
trẻ, đó là hạnh phúc của mỗi gia đình, là trái ngọt mà cuộc đời, con
người đã ban tặng cho ta. Đó là điều tuyệt diệu mà dễ đâu có được, và
chính vậy, chúng ta tự hào về nghề của chúng ta.
Chia sẻ về những
khó khăn thiếu thốn mà các đồng nghiệp ở vùng sâu vùng xa đang trải qua,
GS Minh mong ước, giá như những chủ trương, chính sách đến kịp thời với thực tiễn thì phần nào nhà giáo ấm lòng hơn để có nhiều hơn động lực cho công việc.
Và
giá như lao động chính đáng của nhà giáo được nhìn nhận một cách đúng
mức, kịp thời, đó là lao động giáo dục chứ không phải là lao động giản
đơn chỉ thuần túy tính bằng giờ, thì mọi chuyện đã tốt hơn nhiều.
Nghề
nào mà người làm nghề đó tâm huyết cũng cao quý và đáng trân trọng
nhưng nhà giáo làm công việc giáo dục để mỗi người có những chuẩn mực về
tư cách và đầy đủ về tri thức để ra với cuộc đời, để hành động chân
chính thì đáng trân quý biết bao.