Ngày 18/5, Sở Giáo dục
và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bạc Liêu phối hợp với ngành giáo dục các
tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức thảo "Xây dựng
và khai thác sử dụng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong cơ
sở giáo dục mầm non".
10 chữ "T" tiếp cận
Bà
Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho biết giáo
dục mầm non (GDMN) là nền tảng hình thành và phát triển nhân cách, cũng
như trí tuệ cho học sinh. Do đó, việc quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện
phát triển bậc học mầm non là một việc làm quan trọng và rất cần thiết.
Giám
đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang, cho rằng chuyên đề giáo
dục lấy trẻ làm trung tâm có thể nói tác động đến tất cả các thành tố
của quá trình giáo dục, bởi mỗi hoạt động đều được tổ chức từ trẻ, cho
trẻ và vì trẻ.
"Việc triển khai chuyên đề có tác động tích cực đến
việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và làm thay
đổi cơ bản diện mạo của các trường theo hướng đổi mới, sáng tạo. Từ
trang trí môi trường trước đây để ngắm, nhìn thì nay chuyển sang để trẻ
hoạt động. Đặc biệt, các cơ sở GDMN đã có sự tăng cường gắn kết giữa nhà
trường, gia đình và cộng đồng xã hội", bà Sang nêu hiệu quả.
Tuy
nhiên, ngành giáo dục nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng nhìn nhận còn
nhiều cơ sở GDMN có điều kiện khó khăn; nhiều hộ gia đình khó khăn, chưa
nhận thức xác đáng về sự quan trọng của GDMN nên hạn chế tham gia vào
các hoạt động của trường; có giáo viên ngại tổ chức các hoạt động cho
trẻ trải nghiệm; một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bồi dưỡng
chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên;…
Theo
bà Hoàng Thị Dinh, Phó vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), thực hiện
chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm, tất cả các trường phải tận dụng phù hợp
các điều kiện thực tiễn hiện có để đáp ứng, giúp cho trẻ được công
bằng, đều được đến trường và tiếp cận với chương trình GDMN tiên tiến
hiện nay.
Bà Dinh lý giải, lấy trẻ làm trung tâm có nghĩa rằng
xuất phát từ trẻ em sẽ chi phối đến quan điểm chỉ đạo, đầu tư, các giải
pháp, thực hiện các hoạt động trong cơ sở GDMN. Do đó, đứng trên góc độ
quản lý, chúng ta xây dựng các giải pháp đầu tư đáp ứng nhu cầu, khả
năng của trẻ, của chương trình GDMN, chứ không phải đầu tư theo mong
muốn của người lớn.
Còn trong nhà trường, giáo viên phải là người
thực hiện, khai thác sử dụng thế nào để đáp ứng từng bài học, hoạt động
của trẻ. Chúng ta khai thác triệt để cho tất cả trẻ đều được tham gia
theo hình thức học thông qua chơi, tích cực trải nghiệm, bởi môi trường
giáo dục không chỉ có vật chất mà ở đây tạo được sự thân thiện, tích
cực.
"Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm khai thác theo hướng tiếp cận
10 chữ "T" tốt. Đó là tiếp cận xây dựng và khai thác sử dụng môi trường
giáo dục đảm bảo: Tất cả trẻ, thân thiện, tích cực, tiện ích, tích hợp,
tiết kiệm, trải nghiệm, thông minh, tương lai và toàn diện, giúp cho
trẻ phát triển.
Ai là người quyết định được môi trường này đến với
trẻ, đó chính là giáo viên. Do đó, các địa phương cần nâng cao năng lực
cho giáo viên để khai thác, thực hiện tốt chương trình lấy trẻ làm
trung tâm", bà Dinh chia sẻ quan điểm.
Tạo mọi điều kiện cho trẻ đến trường, phát triển
Phó
vụ trưởng Vụ GDMN Hoàng Thị Dinh cũng cho biết, hiện nay ở vùng ĐBSCL
tỷ lệ trẻ bán trú mới được 66% và tỷ lệ học 2 buổi/ngày là 84%. Con số
này cho thấy còn gần 40% trẻ chưa được ăn trưa tại trường và gần 20% trẻ
chưa được học 2 buổi/ngày.
Trong vùng hiện nay chỉ có 50% tỷ lệ
trẻ nhà trẻ đến lớp so với trung bình của cả nước (cả nước hơn 28%,
ĐBSCL 14%). Đây là chưa có sự công bằng đối với các trẻ.
"Trước
tình trạng thiếu trường, lớp, giáo viên hiện nay, trong điều kiện có
thể, mong các địa phương bằng giải pháp nào đó tháo gỡ từng bước một như
sắp xếp giáo viên đứng lớp, tăng cường sự phối hợp gia đình và xã hội
để hỗ trợ bán trú cho trẻ, tạo cơ hội cho trẻ đến trường", bà Dinh gợi
mở.
Bà
Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng mỗi một đứa
trẻ là một cá thể duy nhất với nét tính cách, sở thích, năng lực, điều
kiện sống riêng biệt. Chính vì vậy, chúng ta phải giáo dục thế nào để
mỗi trẻ phát huy được tốt khả năng của mình. Đây là nhiệm vụ của giáo
viên, người hướng dẫn và của cả ngành giáo dục.
Do đó, theo bà
Sang, cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội cần
tiếp tục nâng cao tinh thần ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện
chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm.
"Dù trường học đang ở loại hình
công lập hay tư thục, ở địa bàn kinh tế khó khăn hay thuận lợi, có quy
mô lớn hay nhỏ, có cơ sở vật chất đầy đủ hay thiếu thốn, cũng phải
nghiêm túc triển khai chuyên đề.
Chúng ta cần khai thác tối đa
điều kiện môi trường tối thiểu hiện có, khai thác tiềm năng của từng cơ
sở GDMN. Có như thế, chúng ta mới không cảm thấy lãng phí, đáp ứng được
hết những tình cảm, mong mỏi của địa phương và phụ huynh đang dành cho GDMN", người đứng đầu ngành giáo dục Bạc Liêu bày tỏ