Nhận
định trên được GS Lily Kong, Chủ tịch Đại học Quản lý Singapore, đưa ra
bên lề buổi nói chuyện với sinh viên tại một trường đại học mới đây ở
Hà Nội.
Cẩn trọng với các bảng xếp hạng đại học
Được
biết Giáo sư Lily Kong là phụ nữ Singapore đầu tiên giữ chức chủ tịch
một trường đại học tại quốc đảo này. Trong một nghiên cứu toàn cầu thực
hiện vào năm 2020 bởi ĐH Stanford, bà nằm trong top 1% các nhà khoa học
hàng đầu thế giới trong lĩnh vực địa lý.
Trả
lời phỏng vấn của phóng viên bên lề buổi nói chuyện của bà với sinh
viên mới đây tại Hà Nội, GS Kong cho rằng, con số ở các bảng xếp hạng
đại học không thể nói hết về một trường nào đó. Nó chỉ cho thấy giá trị
của trường đó theo ấn tượng ban đầu của mọi người.
Do vậy theo bà, chúng ta phải cẩn trọng với các bảng xếp hạng đại học bởi nhiều tiêu chí không phản ánh hết chất lượng thực sự.
"Thay
vì dựa vào các bảng xếp hạng khi hợp tác, các trường cần tìm các mục
tiêu tương đồng trong triết lý giáo dục", GS Kong nói.
Đưa ra lời
khuyên cho các trường đại học ở Việt Nam thời gian tới, GS Kong cho
rằng, các trường đại học có thể mang lại nguồn tri thức hữu ích thông
qua nghiên cứu trong các lĩnh vực như bền vững về tài nguyên, biến đổi
khí hậu, tài chính xanh, luật bền vững, cơ sở hạ tầng đô thị và nhiều
lĩnh vực khác.
"Trong giáo dục, cần chú trọng vào tư duy phản
biện, giải quyết vấn đề và tính đa ngành. Trong nghiên cứu, các trường
cần tập trung vào những thay đổi mang lại cho xã hội hơn là theo đuổi
thứ hạng.
Đặc biệt sinh viên Việt Nam rất thông minh, đầy động lực
và ham học hỏi. Các em luôn nắm bắt cơ hội để đóng góp vào sự biến đổi
xanh. Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn trong lĩnh vực này trong những năm sắp tới", GS Kong nói.
Lời khuyên trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo
GS Kong, ĐH Quản lý Singapore (SMU) đang hợp tác mạnh mẽ với 3 trường
đại học tại Việt Nam gồm: Đại học Quốc gia TPHCM, VinUniversity và Đại
học Kinh tế TPHCM.
Trường đại học của Singapore này đã triển khai
các chương trình trao đổi và học tập, các chuyến thăm nghiên cứu của
giảng viên, nghiên cứu chung và phát triển các khóa học chung SMU-XO
(SMU-X Overseas), là các khóa học trải nghiệm mà sinh viên tham gia giải
quyết các thách thức thực tế trong thế giới thực.
Ví dụ, khoảng tháng 4/2018, SMU và Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đã hợp tác trong lĩnh vực đổi mới và khởi nghiệp.
SMU
và Đại học Kinh tế TPHCM, Ủy ban Phát triển Khu vực Tư nhân Singapore
đã hợp tác để tư vấn cho chính phủ Việt Nam về việc tăng cường cơ sở hạ
tầng đổi mới và khởi nghiệp của nước này.
Ngoài ra, SMU cũng đã
trở thành đối tác tri thức sáng lập cho Viện Đổi mới sáng tạo của UEH
thông qua biên bản ghi nhớ khác với Vina Capital. Hợp tác này đã mở rộng
sang việc đào tạo cán bộ UEH và cung cấp chuyên môn thiết kế cho họ.
Đối
với VinUniversity, ĐH Quản lý Singapore cũng cung cấp học bổng, hỗ trợ
tài chính cho sinh viên Việt Nam theo học chương trình sau đại học tại
SMU và cung cấp nhiều khóa học trao đổi…
Đưa ra lời khuyên cho các
trường ĐH Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thời
gian tới, GS Kong nói rằng, sinh viên Việt Nam nhiệt huyết, sáng tạo,
giỏi về kỹ năng, kiến thức. Nhưng để có nguồn nhân lực chất lượng cao,
theo bà, trước mắt trường đại học cần tập trung phát triển các kỹ năng
chuyển đổi cho sinh viên.
"Tuổi thọ" của kiến thức sẽ giảm và
những gì họ học về kiến thức lĩnh vực hôm nay sẽ trở nên lạc hậu nhanh
chóng. Họ sẽ phải tiếp tục học hỏi sau khi rời khỏi trường học hoặc đại
học.
Do vậy, các đơn vị cần cung cấp cơ hội đào tạo và học tập
liên tục suốt đời cho người học. Đồng thời, ĐH Quản lý Singapore sẽ rất
vui nếu là một trong những đơn vị cung cấp các chương trình đào tạo tại
Việt Nam", GS Kong nói.