Mong ngóng thi 3 môn
Thông tin Hà Nội sẽ thi 3 hay 4 môn đang được bàn tán xôn xao trên nhiều diễn đàn giáo dục.
Tại
một diễn đàn với hàng nghìn thành viên, thông tin biến động về phương
án thi của các tỉnh thành được cập nhật liên tục. Riêng Hà Nội, nhiều phụ huynh mong ngóng, hy vọng lứa học sinh năm nay sẽ thi 3 môn.
Anh
Đức Thuận (quận Đống Đa) cho biết, lứa học sinh này gặp nhiều thiệt
thòi bởi ảnh hưởng của dịch bệnh trong những năm trước. "Thời điểm đó cứ
hết học on đến off (trực tuyến đến trực tiếp), nhiều bất ổn. Do vậy,
chúng tôi mong Sở giữ nguyên phương án thi 3 môn như năm ngoái", anh
Thuận nói.
Theo
thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025, học sinh đầu cấp
tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, trong đó, riêng học sinh vào lớp 10 tăng
5.000 em so với năm ngoái.
Trong khi chờ đợi, TP Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10, ghi nhận của phóng viên Dân trí,
các trường THCS trên địa bàn thành phố đã chủ động kế hoạch dạy học và
ôn tập, triển khai nhiều giải pháp định hướng, phân luồng học sinh.
Cô
Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, để
chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, nhà trường vẫn chủ động dạy
học bình thường theo phương án thi 4 môn mà thành phố vẫn thực hiện lâu
nay.
"Việc thi 3 hay 4 môn không ảnh hưởng đến kết quả học tập của
chúng tôi bởi ngay từ đầu, các em được thầy cô áp dụng kế hoạch dạy/học
phù hợp.
Giáo viên chủ nhiệm lớp cập nhật thường xuyên thông tin tuyển sinh lớp 10 của các loại hình trường như chuyên, công lập, tư thục, trường nghề..., để phụ huynh nắm bắt, tìm hiểu", cô Yến nói.
Một
hiệu trưởng trường THCS ở quận Tây Hồ cho hay, học sinh lớp 9 được nhà
trường chia thành 4 nhóm theo năng lực, nguyện vọng và có kế hoạch dạy
học, ôn tập phù hợp. Trong đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc bổ
trợ học sinh khó khăn trong học tập.
Đặc biệt, trường này sẽ tổ
chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tạo cơ hội để học sinh, phụ huynh gặp
gỡ trực tiếp với đại diện các trường tư thục, trường nghề...
Nhiều tỉnh "quay xe" thi 3 môn vào lớp 10
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng hơn 20 địa phương có phương án thi vào lớp 10 THPT 3 môn.
Hưng
Yên là địa phương đầu tiên trên cả nước đã ban hành kế hoạch tổ chức kỳ
thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 với một số điều
chỉnh.
Theo đó, thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập không
chuyên tại Hưng Yên sẽ làm 3 bài thi gồm: ngữ văn, toán và tiếng Anh,
giảm 2 môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học hoặc sinh học), khoa học
xã hội (lịch sử, địa lý hoặc giáo dục công dân) so với kỳ thi năm trước.
Được biết Hưng Yên là một trong những địa phương kiên định với mục tiêu thi 5 môn vào lớp 10 trong nhiều năm trước đó.
Tại Vĩnh Phúc, phương án thi vào lớp 10 THPTnăm nay cũng giảm từ 5 xuống 3 môn.
Năm
2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương lớn thứ 2 cả nước là
Hà Nội quyết định chỉ thi 3 môn: toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Năm 2021,
Hà Nội tiếp tục thi 4 môn vào lớp 10 với môn thi thứ 4 là lịch sử.
Tuy
nhiên, sang năm 2022, vấn đề thi 3 môn hay 4 môn vào lớp 10 gây nhiều ý
kiến, tranh luận trái chiều do lứa học sinh lớp 9 thời điểm đấy phải
học online kéo dài bởi dịch Covid-19. Cuối cùng, Hà Nội quyết định bỏ
môn thi thứ 4 và nhận được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh, giáo
viên và các trường.
Với kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2023, UBND
thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến giáo viên trên địa bàn.
Kết quả, thành phố đã thuận theo đa số ý kiến chọn phương án thi 3 môn
vào lớp 10 THPT.
Dự kiến khoảng cuối tháng 3 tới, Hà Nội mới công bố số môn thi vào lớp 10 THPT năm nay.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí,
cô Yến cho rằng, phương án thi 3 môn sẽ được nhiều phụ huynh đồng thuận
bởi lẽ nhẹ nhàng cho các em. Mặc dù vậy, trong giáo dục, mỗi một quyết
sách mà quản lý hướng đến, đều có tính dài hơi chứ không phải trước mắt.
Ông
Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lômônôxốp cho biết,
cơ bản phụ huynh và giáo viên luôn mong muốn một sự ổn định về cách
thức thi tuyển sinh vào lớp 10. Việc thay đổi nhiều sẽ khiến học sinh và
phụ huynh tâm tư, lo lắng.
Năm học 2023-2024 cũng là năm học cuối
cùng của khối 9 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ nên sự thay đổi
quá nhiều có thể tác động không tốt với học sinh.
Trước mong muốn
thi 3 môn từ đông đảo phụ huynh học sinh, ông Tùng phân tích, việc thi 3
môn đã đủ điều kiện để phân loại học sinh và chọn lựa học sinh vào lớp
10; hai là giảm áp lực đáng kể cho học sinh; ba là tiết kiệm được ngân
sách nhà nước cho công tác thi cử cũng như tiết kiệm chi phí học hành
của phụ huynh; bốn là giảm áp lực cho các cán bộ, thầy cô làm công tác
tổ chức kỳ thi bao gồm coi thi, chấm thi, xét tuyển…
Đây cũng là lý do mà hai năm trước, việc thi 3 môn được nhiều phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ.
Trong
khi đó, ưu điểm của việc thi 4 môn chỉ là có thêm thông số đánh giá
việc dạy và học của bộ môn đó trong thành phố. Đồng thời không để học
sinh chỉ tập trung vào học 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ mà lơ là, bỏ
bê các môn còn lại.
Tuy nhiên, với đề xuất bỏ nhân hệ số hai với hai môn toán, ngữ văn, ông Tùng cho rằng điều này là chưa nên.