Hai anh em lần lượt đạt học bổng toàn phần của các trường ĐH danh giá
Lê Mạnh Linh là một trong số ít học sinh Việt trúng tuyển cùng lúc ba trường trong khối Ivy League (Mỹ) danh giá năm 2018.
Anh
học song bằng Kỹ thuật Hóa và Quan hệ quốc tế tại Đại học Yale với suất
học bổng toàn phần. Ngôi trường này không chỉ hỗ trợ về vấn đề tài
chính mà còn giúp anh có được những người bạn ăn ý.
Sau
khi tốt nghiệp tại Yale, Mạnh Linh quyết định thử sức bản thân tại một
môi trường mới. Anh lựa chọn Đại học Harvard để tiếp tục nghiên cứu Tiến
sĩ về lĩnh vực Vật lý ứng dụng.
Chàng trai này cảm thấy hào hứng
khi có cơ hội được học tập trong một môi trường các chuyên ngành học có
sự liên kết với nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của sinh
viên, học viên.
Còn người em gái Lê Tuệ Chi là học sinh lớp 12A2,
trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội gần đây cũng
giành được học bổng toàn phần của Đại học Harvard.
Được biết, cuộc
sống và những con người thân thuộc xung quanh là chủ đề được nữ sinh có
niềm đam mê với nghệ thuật này sử dụng trong bài luận chinh phục Ban Tuyển sinh của trường.
Khi
nhận được tin vui từ Đại học Harvard của em gái, Mạnh Linh cảm thấy rất
phấn khởi vì Tuệ Chi đã đạt được kết quả như mong muốn. Anh cho biết:
"Hai anh em đã trải qua quá trình rất dài, có thăng, có trầm để nộp được
bộ hồ sơ mà cả hai cảm thấy ưng ý và rồi được chấp nhận.
Khi đi học rồi, mình mới biết được thế nào là một bộ hồ sơ toàn diện. Và thực sự, nộp hồ sơ du học Mỹ vừa không khó đến thế, lại vừa phải rất kỳ công.
Nhiều
người thường nghĩ điểm cao là tốt, nhưng mình đã cố gắng hết sức để
giúp em gái có một trải nghiệm cấp ba cũng như quá trình nộp hồ sơ không
cảm thấy quá sức. Đây là bài học mà mình đã phải học từ rất lâu mới có
được".
Cùng những trải nghiệm cá nhân khi sống xa quê hương, Mạnh
Linh hy vọng, mỗi bạn học sinh, sinh viên, trong đó có cả em gái mình,
khi quyết định đi du học cần thật sự biết và hiểu rõ lý do tại sao lựa
chọn quốc gia đó, trường học đó, ngành, chuyên ngành đó.
Và để đề
phòng đi rồi mới nhận ra bản thân không hợp, các bạn trẻ không nên lãng
mạn hóa việc đi du học mà cần xác định sẵn động lực của mình.
Ngoài
ra, Mạnh Linh cũng khuyên mọi người nên có một tâm lý cởi mở, dám thử
thách, dám rủi ro. Anh nói: "Mình nghĩ các bạn ở nước mình đi Mỹ thường
ưu tiên các ngành STEM vì lý do visa. Tuy nhiên, theo quan điểm của
mình, mọi người nên thử sức học các ngôn ngữ khác, học những lớp trái
ngành, nhất là các ngành nhân văn hay hội họa.
Bởi thực tế cho
thấy việc học sẽ cho mình sự hiểu biết nhất định, nhưng khi làm việc
thực tế thì mới có những kinh nghiệm khác. Và khi sở hữu những tri thức
về xã hội hay văn hóa, bạn sẽ có một đời sống cá nhân phong phú và đem
lại mục đích cho những gì chúng ta làm hàng ngày".
Sự nỗ lực và cùng nhau học tại Đại học Harvard, Mỹ
Đáng
chú ý, việc em gái sẽ học ở Đại học Harvard trong thời gian tới cũng đã
ảnh hưởng lớn tới việc Mạnh Linh sẽ theo học Tiến sĩ tại đây. Tuệ Chi
xúc động thổ lộ: "Mình cảm thấy rất hạnh phúc cho anh. Vì cuối cùng, anh
cũng đã chinh phục được ngôi trường này sau bao nhiêu nỗ lực. Với sự
đồng hành của anh trai, mình cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc làm quen với môi trường mới".
Bên
cạnh đó, sau khi đón nhận kết quả đáng khích lệ cho quá trình nỗ lực
của mình, Tuệ Chi đã không giấu nổi sự hạnh phúc. Cô cho biết bản thân
đang trong quá trình chuẩn bị các giấy tờ và thủ tục cần thiết để chuyến
xuất ngoại đầu tiên sẽ thật suôn sẻ.
Nữ sinh cũng tự tạo các đầu
mục việc cần phải làm với gia đình và bạn bè trước khi rời Việt Nam. Đây
vừa là cách để cô tạo nên những kỷ niệm mới cùng những người thân
thích, vừa là cách để gửi lời chào tới họ trước hành trình du học sắp
tới của mình.
Để
có những khoảng thời gian thật trọn vẹn dưới ngôi trường ước mơ ấy, tân
sinh viên Harvard đã tìm hiểu và tham khảo các khóa học của các sinh
viên đã và đang học tại trường.
Thêm vào đó, Tuệ Chi bắt tay vào
tìm hiểu kỹ hơn về yêu cầu của các môn học, các lớp học mà bản thân cảm
thấy hứng thú. Một số lớp học được Chi nhắc đến như lớp đào tạo về nghệ
thuật và phim ảnh, kỹ thuật hay cả xã hội học.
Hơn nữa, với sự
năng động, nhiệt tình vốn có, Chi cũng bày tỏ sự hào hứng của mình khi
cố gắng tìm hiểu và nghiên cứu về các Câu lạc bộ và những hoạt động
ngoại khóa nổi bật tại ngôi trường danh giá này.
Về phía Mạnh
Linh, sau khi tự nhìn lại những gì bản thân có thể làm, đóng góp và phát
triển, anh muốn nghiên cứu sâu hơn về những phát minh và sáng chế khoa
học. Anh tìm đến những gì khoa học có thể đem lại những phát triển cho
cộng đồng và giúp cho tương lai xanh, sạch hơn, đặc biệt là cho quê
hương Việt Nam.
Do
đó, nghiên cứu sắp tới của Mạnh Linh cũng sẽ tập trung vào điện hóa
học. Anh muốn sử dụng điện hóa học để thay thế những quá trình sản xuất
hợp chất xảy ra ở nhiệt độ hay áp suất cao và rất tốn năng lượng.
Anh
hy vọng, việc làm của mình có thể giúp cắt giảm nhiều khí thải nhà kính
hay tiêu thụ năng lượng, góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của
con người.
Đây cũng là năm thứ sáu, Mạnh Linh học tập và làm
việc ở Mỹ. Mặc dù được tiếp xúc nhiều với đa dạng nền văn hóa trên thế
giới, nhưng anh vẫn luôn giữ được tâm thế vững vàng về cội nguồn và văn
hóa dân tộc. Anh tự hào khi được sinh ra trong một gia đình truyền
thống, luôn có sự gắn kết với anh em, họ hàng và gìn giữ nhiều giá trị
đẹp qua bao thế hệ.
Đặc biệt, Mạnh Linh còn tự tin nhận định bản
thân "rất Việt Nam". "Mình gọi bố mẹ mỗi ngày một lần, nhất là khi bố
mẹ ở cạnh ông bà. Hay trong những ngày Tết, mình cố gắng tìm mua giò, rủ
bạn bè Việt tụ tập ăn cỗ. Thậm chí, mình cũng kiêng kỵ những thứ y hệt
như mình đang ở quê ngày mồng một", anh nói.
Là một người trẻ,
thuộc về thế hệ của tương lai, là những con người sẽ định nghĩa thế nào
được gọi là Việt Nam và văn hóa Việt, Mạnh Linh vẫn luôn ý thức rõ và cố
gắng duy trì những điều gọi là giá trị nguồn cội.
Anh luôn cố
gắng gìn giữ, không làm mất đi bản sắc của chính mình khi có cơ hội để
được kết nối, giao lưu với nhiều nền văn hóa trên thế giới.