Nguyễn Đăng Khoa và Lê Minh Triết được Boeing
chọn sau ba vòng hồ sơ và phỏng vấn, trong lần đầu hãng này trực tiếp
đến Việt Nam tuyển thực tập sinh.
Khoa và Triết, 22 tuổi, đều là sinh viên năm thứ tư
ngành Kỹ thuật Hàng không dạy bằng tiếng Anh (OISP) của trường Đại học
Bách khoa TP HCM.
Hai nam sinh nói bất ngờ khi nhận
được thông báo của hãng từ Singapore hồi tháng 4. "Lúc đó em đang đi
đường. Nghe đầu dây bên kia nói chúc mừng bạn đã trúng tuyển, em vừa đi
vừa cười vì vui sướng", Khoa kể.
Còn Triết nhận tin
trúng tuyển sau Khoa vài tuần, khi đang trong phòng thí nghiệm. Nam
sinh mừng rỡ báo ngay cho gia đình. "Mẹ em cũng không tin nổi. Em cảm
thấy mình không giỏi bằng các bạn khác nhưng được chọn có lẽ do chuẩn bị
kỹ càng", Triết nhớ lại.
Hồi tháng 4, ông Michael Nguyễn, Giám đốc
Boeing Việt Nam, cho biết thực tập sinh trúng tuyển có cơ hội làm việc
hai tháng tại văn phòng ở Việt Nam và một tháng tại các cơ sở của Boeing
ở Seal Beach, bang California, Mỹ. Họ sẽ được đào tạo về kỹ thuật bảo
trì, cũng như tiếp cận với nhiều khía cạnh khác của kỹ thuật bảo dưỡng.
Ngoài ra, hai thực tập sinh được hưởng lương theo chính sách của hãng.
Ngoài
đến phỏng vấn trực tiếp tại Đại học Bách khoa TP HCM, Học viện Hàng
không Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội, Boeing còn tìm ứng viên ở
nhiều trường đại học khác trong cả nước. Một số giảng viên cho biết số
ứng viên khoảng 200 người.
Theo Khoa và Triết, quá
trình ứng tuyển chương trình thực tập sinh của Boeing gồm nhiều vòng.
Trước đó, Boeing gửi thông tin về trường, những sinh viên quan tâm đăng
ký trực tuyến qua đường link của hãng. Ứng viên được yêu cầu có điểm
trung bình (GPA) từ 3,5/4 trở lên, tham gia các dự án, nghiên cứu khoa
học và sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mới. Ngoài ra, khả năng giao
tiếp tiếng Anh tốt cũng quan trọng để các em học và làm việc trong môi
trường quốc tế.
GPA chỉ đạt 3,3/4 nhưng Triết mạnh
dạn ứng tuyển bởi hồ sơ mạnh về các hoạt động nghiên cứu, có kinh nghiệm
thực tập ở hãng hàng không quốc gia và giành giải ba cuộc thi thiết kế
máy bay không người lái tại Singapore.
"Em không đủ điều kiện GPA song vẫn nộp vì muốn thử sức", Triết chia sẻ.
Còn
Khoa nộp hồ sơ với GPA 3,7/4 cùng kinh nghiệm tham gia nhiều dự án lớn,
nhỏ tại phòng thí nghiệm của thầy giáo, giải nhất giải đua xe tự hành
do Amazon tổ chức. Ngoài ra, Khoa còn có nghiên cứu về robot tự giao
hàng, dùng flycam chụp ổ gà trên đường để đề xuất chính quyền sửa chữa,
nhiều hoạt động ngoại khóa như tiếp sức mùa thi hay các chuyến đi trao
đổi ở Nhật, Thái Lan, Malaysia.
Một tuần sau khi nộp hồ sơ, khoảng 40 ứng viên được gọi vào vòng phỏng vấn đầu tiên với hai đại diện của hãng.
Theo
các sinh viên, vòng này mỗi người có 25-30 phút để trả lời bốn câu hỏi
giống nhau, chủ yếu nhằm để hãng đánh giá khả năng phản xạ và giao tiếp
tiếng Anh của ứng viên.
Lần đầu đi phỏng vấn, Khoa
đặt ra nhiều tình huống trong đầu, nghĩ rằng không khí sẽ căng thẳng và
nhà tuyển dụng trông nghiêm khắc. "Nhưng khác hoàn toàn với tưởng tượng
của em. Hai người phỏng vấn rất thân thiện và cởi mở", Khoa nói.
Học
tiếng Anh từ lớp hai, đạt IELTS 7.0 và thường xuyên đọc tài liệu, trao
đổi với giảng viên, xem các chương trình tiếng Anh, nên Khoa gần như
không gặp rào cản nào khi thể hiện mình trước nhà tuyển dụng.
Triết
cũng tương tự. Nam sinh từng đạt 7.5 IELTS, hiện là gia sư dạy kèm môn
này. Triết đã lên mạng tìm hiểu về Boeing, liệt kê những câu hỏi phỏng
vấn thường gặp rồi tự tập trước gương hàng ngày hoặc với người thân.
Cả
Khoa và Triết đều thể hiện mong muốn trải nghiệm môi trường làm việc
chuyên nghiệp ở Boeing, được tiếp cận với những máy bay hiện đại nhất và
quy trình bảo dưỡng, quản lý, sửa chữa của hãng. Ngoài ra, các em mong
tìm hiểu những dự án mà Boeing làm, có thêm mối quan hệ công việc sau
này.
Hai nam sinh cũng thể hiện sự quan tâm về công
ty khi được đặt câu hỏi. Khoa biết hãng đang hướng tới các thành phố có
thể cho máy bay đáp trên các tòa nhà nên đã hỏi về dự án và được nhà
tuyển dụng giải đáp chi tiết.
Vòng phỏng vấn thứ hai diễn ra khoảng một tuần sau đó, với ba ứng viên xuất sắc. Vòng này là cuộc gặp 1:1 online với giám đốc Boeing Việt Nam. Ứng viên được hỏi sâu hơn về những dự án đã thực hiện.
"Họ
muốn kiểm tra dự án ứng viên đã làm và tìm hiểu sâu hơn về người mình
sẽ làm việc cùng sắp tới", Khoa nói. Suốt cuộc phỏng vấn, Khoa cảm nhận
nhà tuyển dụng hài lòng về mình. Ông đã biết về Khoa qua phản hồi của
hai đồng nghiệp phỏng vấn vòng trước.
"Vòng này khá
nhẹ nhàng với em. Ông ấy nói biết đủ rồi, chỉ mở hồ sơ của em ra hỏi
lại về thành tích và kiểm tra xem thực sự biết về hãng không", Khoa kể.
Triết
cũng không gặp áp lực, thậm chí thấy vòng này "dễ thở" hơn vòng một.
"Bác ấy đã lớn tuổi, tiếng Anh tốt và chỉ hỏi thêm về bản thân em",
Triết nhớ lại.
Cả hai sau đó được yêu cầu gửi liên hệ của hai giảng viên ở trường để xác nhận lại thông tin trong hồ sơ.
Triết nói bí quyết thành công trong cuộc
phỏng vấn là luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện và thành thật. Khoa
lưu ý ứng viên nên có sự tập trung đồng đều vào kết quả học tập và kinh
nghiệm làm việc, ngoại khóa để gây ấn tượng ngay vòng hồ sơ. Ngoài ra,
ứng viên cần rèn luyện khả năng giao tiếp bằng cách xem nhiều chương
trình, đọc tài liệu tiếng Anh để làm dày vốn từ vựng chuyên ngành.
PGS.TS
Ngô Khánh Hiếu, Trưởng phòng thí nghiệm động cơ đốt trong, trường Đại
học Bách khoa TP HCM, đánh giá hai sinh viên khóa đầu tiên của OISP có
tố chất, đam mê và trách nhiệm. Thầy Hiếu nói việc Khoa và Triết trúng
tuyển là "một vinh dự cho ngành Kỹ thuật Hàng không của trường".
"Boeing
cần ứng viên có những suy nghĩ sáng tạo, đổi mới và nhìn vấn đề nhiều
khi hơi điên rồ. Tôi nghĩ hãng khuyến khích điều đó", ông nhận định. Ông
cho rằng hai sinh viên có thể tự hào về thành quả đạt được và phải nỗ
lực nhiều hơn. Trở thành thực tập sinh của Boeing là cơ hội tốt nhưng đó
chỉ là bước đệm cho sự nghiệp.
Khoa và Triết đang tập trung ôn thi cuối kỳ, trước khi bắt đầu kỳ thực tập ở Hà Nội vào đầu tháng 6.
"Chúng
em có thể bị muộn chương trình học khoảng một tuần sau khi kết thúc
thực tập nhưng trải nghiệm này hoàn toàn xứng đáng", Khoa chia sẻ