Ngày
04/11/2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban
hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị
quyết 29). Nghị quyết 29 đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến
lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT). Trong đó xác định GDĐT là quốc sách hàng đầu, đầu
tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các
chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới căn bản,
toàn diện GDĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết; từ quan
điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế,
chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GDĐT
và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học;
đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong
10 năm qua, bám sát chiến lược phát triển GDĐT theo tinh thần Nghị
quyết 29, ngành giáo dục Hải Phòng đã có những bước tiến đột phá và vững
chắc.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 29, các
cấp ủy, chính quyền, ban, ngành trên địa bàn toàn thành phố đã quan tâm
lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều quyết sách tạo tiềm lực cho GDĐT
cất cánh. Toàn ngành giáo dục Hải Phòng đã, đang thể hiện quyết tâm, kiên trì mục tiêu đổi mới gắn với sứ mạng của ngành, đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho thành phố và cho đất nước. Trong những năm qua, ngành giáo dục thành phố tập trung triển khai 9 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết 29. Trong đó, giải
pháp trọng tâm được ngành chú trọng là tập trung nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng
lưới cơ sở giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất. Ở nhiệm vụ này, ngành xác định thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện sắp xếp, sáp nhập các trường học bảo
đảm theo đúng kế hoạch đề ra; tổ chức triển khai thực hiện kịp thời,
bảm đảm theo quy định về việc cấp thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo
dục theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018; tham mưu xây dựng
các đề án, chương trình tăng cường củng cố cơ sở vật chất trường, lớp
học,... Cùng với nhiệm vụ trên,
ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, bảo
đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở
giáo dục, đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp
giảng dạy, kiểm tra đánh giá; tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục theo yêu
cầu đổi mới; quan tâm huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho sự phát
triển toàn diện và bền vững giáo dục.
Từ những giải pháp quyết liệt và căn cơ, giáo dục Hải Phòng đã đạt được kết quả đáng tự hào cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Từ
năm học 2013 - 2014 đến năm học 2022 - 2023, thành phố có 856 giải quốc
gia và 13 Huy chương quốc tế các môn văn hóa; 58 giải về Khoa học kỹ
thuật quốc gia; 3 dự án Khoa học kỹ thuật đạt giải quốc tế. Trong 4 năm
liên tục (2015 - 2018) thành phố đứng thứ 2 toàn quốc về học sinh giỏi
quốc gia. Hải Phòng là địa phương duy nhất trên cả nước 24 năm có học
sinh đoạt giải quốc tế. Năm 2023, học sinh Hải Phòng đạt 01 huy chương
vàng và 02 huy chương Bạc trong các kỳ Olympic quốc tế.
Ngày 12/10/2023, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
đã tiến hành khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết tại Hải Phòng.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn,
cùng đi có các đồng chí lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ GDĐT. Đoàn đã khảo
sát thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn huyện
Kiến Thụy, sau đó có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố
cùng các Sở ngành liên quan. Qua khảo sát, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng
và các thành viên trong đoàn công tác đã đánh giá cao những kết quả vượt
bậc mà GDĐT Hải Phòng đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Đặc biệt, ghi nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của
các cấp ủy chính quyền từ thành phố đến cơ sở với hệ thống văn bản chỉ
đạo, triển khai thực hiện rất khoa học, bài bản. Ngoài ra, Hải Phòng đã trở thành “điểm sáng” trong đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, đầu tư cho giáo dục. Trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, Hải Phòng có một
số cơ chế mạnh có tính chất đột phá, chính sách đặc thù, tiêu biểu toàn
quốc trong thực hiện nhiệm thu hút, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội
ngũ giáo viên giỏi. Ngoài ra, Hải Phòng là địa phương tiên phong cả nước thực
hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở
từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông từ
năm học 2021-2022 (trong đó có cả học sinh ngoài công lập).
Ghi
nhận những bước tiến nhanh chóng và vững chắc của Hải Phòng trong 10
năm thực hiện Nghị quyết 29, Đoàn công tác bày tỏ sự tin tưởng vào sự
bứt phá mạnh mẽ hơn nữa của giáo dục thành phố trong thời gian tới. Tại
buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT đề
nghị Hải Phòng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 29,
xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong
quá trình triển khai thực hiện; sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục theo
hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cần có định hướng, đẩy mạnh tuyên truyền về hướng nghiệp, dạy nghề; chú trọng xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, cần hết sức quan tâm đến vai
trò của người đứng đầu, từ tổ trưởng chuyên môn đến hiệu trưởng trong
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm khích lệ, tiếp tục chăm lo chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo trong thời gian tới.
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện đổi mới, ngành giáo dục Hải Phòng tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng ở giai đoạn tiếp theo.