Tôn trọng thần tượng của trẻ
Ở
lứa tuổi nhi đồng và thanh thiếu niên, hiện tượng hâm mộ thần tượng vô
cùng phổ biến, đặc biệt là với các bạn học sinh cấp 2. Điều này rất phù
hợp với đặc điểm phát triển tâm lý bởi học sinh cấp 2 đang ở độ tuổi vị
thành niên, khả năng tự nhận thức được nâng cao và rất nhạy bén với văn
hóa thời trang, văn hóa Internet, nghệ thuật đại chúng cùng các ngôi sao
nổi tiếng trên mạng.
Giai đoạn cấp 2 cũng là giai đoạn trẻ có nhiệm vụ học tập nặng nề và phải chịu áp lực thi vào cấp 3. Vì vậy, đa số phụ huynh đều lo lắng việc con mình theo đuổi thần tượng sẽ gây lãng phí thời gian và dẫn đến kết quả học tập sa sút.
Tuy
nhiên, cho dù trẻ hâm mộ thần tượng nào và cha mẹ dù có đồng ý hay
không thì cũng đừng phản đối ngay lập tức. Nếu cha mẹ can thiệp hoặc chỉ
trích gay gắt thì sẽ dễ khiến trẻ nổi loạn, dẫn đến sự căng thẳng trong
mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đồng thời khiến đứa trẻ ngày càng
mắc kẹt trên con đường chạy theo thần tượng một cách mù quáng.
Tôn
trọng thần tượng của trẻ chính là cơ sở để cha mẹ có được lòng tin của
con cái. Thông qua quan sát và trò chuyện, cha mẹ cần nắm rõ mức độ "tôn
thờ" thần tượng của trẻ, cố gắng hiểu được những ưu điểm của thần tượng
từ chính góc nhìn của trẻ và khuyến khích con nói lên suy nghĩ của
mình.
Chú ý đến nhu cầu tình cảm của trẻ
Thần
tượng là tấm gương phản ánh suy nghĩ của trẻ, bao gồm nhu cầu về mặt
tâm lý, tình cảm và tinh thần của chúng. Độ tuổi nhi đồng và thanh thiếu
niên, đặc biệt là học sinh cấp 2, phải chịu áp lực học tập nặng nề
trước kỳ thi vào cấp 3, đồng thời phải đối mặt với những thay đổi về
ngoại hình, những bất ổn về mặt tâm lý và những thay đổi trong mối quan
hệ giữa cha mẹ và con cái.
Khi
trẻ gặp phải những vấn đề trên và không biết cách giải quyết như thế
nào, trẻ thường sẽ chọn cách chạy theo đam mê và theo đuổi thần tượng để
thoát khỏi áp lực của hiện thực và tìm thấy giá trị của bản thân.
Về
vấn đề này, cha mẹ cần bình tĩnh và lắng nghe suy nghĩ của trẻ, đồng
cảm với con và thấu hiểu những suy nghĩ, những nhu cầu tâm lý tình cảm
thực sự của con bằng cách đặt mình vào vị trí của con.
Đồng thời
trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần tạo bầu không khí gia đình đầm ấm,
hòa thuận, giúp trẻ tạo mối quan hệ thân thiện với bạn bè, hướng trẻ
tìm đến những thần tượng tích cực, lành mạnh. Với sự chỉ dạy của cha mẹ,
trẻ có thể dễ dàng chú ý hơn tới những điều tích cực và dần tìm thấy
mục tiêu của chính mình.
Khuyến khích trẻ học tập theo phẩm chất tốt của thần tượng
Theo
kết quả của một cuộc điều tra do Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên
Trung Quốc công bố gần đây, các nhà khoa học và vận động viên đứng đầu
bảng xếp hạng thần tượng và hình mẫu của lứa tuổi nhi đồng và thanh
thiếu niên.
Việc các nhà khoa học và vận động viên trở thành thần
tượng là một hiện tượng đáng mừng, điều này cho thấy việc lựa chọn thần
tượng của trẻ em và thanh thiếu niên đã dần chuyển từ việc bị thu hút
bởi vẻ đẹp và hào quang bên ngoài sang việc chú ý đến những phẩm chất
bên trong và ngưỡng mộ sự cống hiến cho sự nghiệp của họ.
Ngoài
ra, đối mặt với các cách tiếp cận sáng tạo của "văn hóa thần tượng",
các bậc cha mẹ nên giảng giải cho con nghe về sự cố gắng phấn đấu không
ngại khó khăn đằng sau ánh hào quang của thần tượng, đồng thời khuyến
khích các em học hỏi theo những phẩm chất kiên trì, nỗ lực, chịu khó tìm
tòi và cống hiến bằng năng lực của chính mình,… của thần tượng.
Cha
mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng thay vì chỉ đánh giá về ngoại hình và trang
phục của thần tượng thì cần phải đánh giá những phẩm chất đáng quý của
thần tượng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần dẫn dắt và gắn liền những giá trị
tốt đẹp với "văn hóa thần tượng", nhắc nhở trẻ em nên tránh tiếp cận
thần tượng bằng cách tiêu xài hoang phí hoặc bắt chước lối sống xa xỉ,
chạy theo những thương hiệu nổi tiếng của thần tượng.
Có thể nói,
cha mẹ cần tích cực góp mặt trên con đường theo đuổi thần tượng của trẻ
để giúp trẻ hình thành quan điểm tích cực, đúng đắn về thần tượng, từ đó
giúp trẻ có ý thức coi thần tượng trở thành tấm gương để noi theo và
không ngừng phát triển một cách lành mạnh