PGS.TS
Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia
TPHCM) nhấn mạnh điều này tại lễ phát động cuộc thi "Bach Khoa
Innovation" năm 2024 với sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ
TPHCM.
PGS.TS
Mai Thanh Phong cho hay, đổi mới sáng tạo là một giai đoạn trong chuỗi
tạo ra tri thức, chuyển giao tri thức và ứng dụng tri thức ra thực tế.
Nhận
thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hết sức quan trọng. Nếu không có
nhận thức tốt có thể có những định hướng sai, thậm chí có thể dẫn đến
việc "đâm đầu vào đá".
Là giám đốc và nhà sáng lập đời đầu của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp
công nghệ Trường Đại học Bách khoa TPHCM thành lập vào năm 2010, ông
Phong kể: "Khi đó công việc rất khó khăn và gian nan, chúng tôi phải gõ
cửa khắp nơi để làm chính sách, xin hỗ trợ từ chính sách của thành phố
và các bên liên quan".
Tuy nhiên, theo ông Phong, hoạt động này đã
đem về những nhận thức, nhận định về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhất
định cho sinh viên, giảng viên cho đến các cấp lãnh đạo của trường,
những người làm chính sách.
Nhận thấy tầm quan trọng của đổi mới
sáng tạo, khoảng 5 năm trở lại đây, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã
đưa hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trở thành chiến lược quan
trọng, hướng đến trở thành trường đại học khởi nghiệp theo tiêu chuẩn
quốc tế.
Trường nghiên cứu triển khai theo hướng ứng dụng, đưa môn
học khởi nghiệp vào dạy học trên cơ sở tự chọn nhằm trang bị những kiến
thức cơ bản cho sinh viên, thanh niên.
Tổ chức từ năm 2018, đến
nay cuộc thi "Bach Khoa Innovation" thu hút 341 đội thi với hơn 1.300
học sinh, sinh viên đến từ nhiều trường đại học, THPT trong cả nước.
Qua
đó, cuộc thi đưa đến nhiều dự án khởi nghiệp tiềm năng với các sản phẩm
được đưa ra thị trường như dầu thơm nano, sản phẩm vệ sinh từ chuối,
màng bọc thực phẩm chiết xuất từ Chitosan và lá ổi ăn được…
Năm
2024, cuộc thi kéo dài từ nay đến tháng 10/2024, được chia thành 3 bảng
dự thi gồm bảng Start-up cho nhóm khởi nghiệp (dự án từ doanh nghiệp đã
đăng ký kinh doanh không quá 5 năm); bảng Sinh viên (cho nhóm sinh viên, cựu sinh viên); bảng Học sinh cho nhóm học sinh các trường THPT.
Lĩnh
vực dự thi trải dài, tiêu biểu như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo
(AI), internet vạn vật (IoT), chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật môi trường,
hóa học, cơ điện tử…
Xen
kẽ giữa các vòng thi, các đội sẽ được hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng
về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua khóa đào tạo ngắn hạn, tư
vấn/cố vấn từ chuyên gia...
Năm nay, bên cạnh đối tượng học sinh
THPT, sinh viên, học viên cao học, cựu sinh viên các trường đại học,
cuộc thi mở rộng đối tượng dự thi đến các nhóm khởi nghiệp, đồng thời mở
rộng quy mô đến phạm vi ngoài nước.
PGS.TS Mai Thanh Phong lý
giải, nhiều đối tác quốc tế mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong
lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đối tác này làm rất tốt việc
triển khai các ý tưởng, tạo tác động xã hội.