"Muốn học trường làng phải biết sống kiểu làng"
Mới
đây, hoa hậu Oanh Yến chia sẻ với truyền thông về việc đã đưa 6 con trở
lại Sài Gòn sau 4 năm "bỏ phố về rừng", làm nông trại tại ấp Suối Dzui,
tỉnh Đồng Nai.
Trong 4 năm đó, 3 con lớn của cô đã có nửa năm đi học tại Suối Dzui.
Chuyển
từ trường quốc tế về trường làng, các con của hoa hậu không thích nghi
được. Cô cho biết, môi trường văn hóa khác biệt, cách giảng dạy, chương
trình học không giống trường cũ khiến các con khó tiếp thu kiến thức,
khó hòa nhập.
Hoa hậu Oanh Yến đang lo thủ tục cho các con trở lại
trường quốc tế. Trong đợt kiểm tra đầu vào, 2 trong 3 con của cô làm
bài không đạt, phải chờ thi lại.
Đồng cảm với câu chuyện của hoa
hậu Oanh Yến, chị Hoàng Tuyết Mai (41 tuổi), mẹ đơn thân, tâm sự: "Tôi
cũng từng có nửa năm đưa con từ Hà Nội về Hải Dương sống. Đó là quãng
thời gian tôi vô cùng ân hận", chị Mai tâm sự.
Năm 2022, chị Mai
nhận công tác tại một nhà máy ở Hải Dương. Ngày đi đi về về hơn 100 cây
số, chị Mai mệt mỏi, xuống sức. Sáng chị đi làm khi con chưa ngủ dậy,
tối về nhà khi con đã ăn cơm xong. Cuối tuần con về với bố. Nhiều tháng
hai mẹ con không có một buổi chuyện trò cùng nhau.
Thấy con gái ngày càng trầm tính, chị quyết định mang con về Hải Dương sống để hai mẹ con gần gũi nhau hơn.
Chị
Mai xin cho con vào một trường tiểu học công lập gần công ty. Buổi sáng
chị đưa con đến trường, buổi chiều chị nhờ một nhân viên thân thiết đón
con.
Chị Mai nghĩ rằng, mẹ con gần nhau, trường làng thân thiện,
không khí thoáng đãng, nhịp sống chậm rãi, bình yên... là những yếu tố
lý tưởng để con có một cuộc sống "chất lượng". Tuy nhiên, chỉ sau một
học kì, chị phải đưa con về lại Hà Nội trong sự dằn vặt.
"Con
không hòa nhập được với trường, lớp. Ở Hà Nội con học trường tư, hệ
quốc tế. Về trường làng, con bị "sốc" vì chương trình học khác, cách
thầy cô dạy khác.
Con cũng không kết bạn được với ai. Giờ ra chơi
con ngồi một mình trong lớp đọc sách. Giờ tan tầm, các bạn đi bộ về nhà
cùng nhau, còn con chờ người tới đón. Cuối tuần trẻ con ở đây sang nhà
nhau chơi thì con lại về Hà Nội với bố.
Ở Hà Nội, con có ông bà
ngoại sáng chiều sang nhà nấu cơm, trò chuyện cùng. Ở Hải Dương, con
khóa trái cửa chờ mẹ về. Một hôm tôi bận quá, 7 rưỡi 8 giờ mới thu xếp
xong việc về nhà với con, vừa mở cửa ra thì thấy cảnh con nằm khóc nức
nở trên ghế sofa", chị Mai hồi tưởng.
Sau lần chứng kiến con khóc
một mình, chị Mai động viên con học hết học kì để có học bạ chuyển về Hà
Nội. Ngay sau khi năm học kết thúc, chị đưa con trở lại thành phố, xóa
bỏ giấc mộng "bỏ phố về làng, sống an yên".
Chị Mai cho rằng, bản
thân chị và hoa hậu Oanh Yến đã phạm sai lầm là dùng ý nghĩ chủ quan để
quyết định môi trường sinh sống, học tập của con cái mà không tìm hiểu
và chuẩn bị trước các điều kiện thích nghi cho con.
"Trường làng
thân thiện nhưng không dễ hòa nhập. Cho con học trường làng mà vẫn sáng
đưa, chiều đón, cuối tuần quanh quẩn trong nhà, không kết giao với hàng
xóm láng giềng thì con không có cơ hội để kết bạn. Không có bạn bè, con
sẽ trở nên lạc lõng, buồn chán, dễ nảy sinh cảm xúc tiêu cực và ảnh
hưởng trực tiếp tới học hành", chị Mai nói.
Người mẹ đơn thân rút ra bài học sau 5 tháng thử nghiệm cuộc sống tỉnh lẻ: "Học trường làng phải biết sống kiểu làng".
Làng
quê vốn là nơi hoàn toàn xa lạ với điều kiện sống cũ của con. Nơi đây
không có siêu thị, nhà sách, khu vui chơi, hàng quán ăn uống tiện lợi,
không có những người bạn mà con hợp sở thích, lối sống và chia sẻ mối
quan tâm chung.
Bản thân chị Mai cũng không giúp con hòa nhập,
vẫn giữ thói quen sinh hoạt như người thành phố thay vì tập các thói
quen sinh hoạt như người vùng quê để con từng bước thay đổi, thích nghi.
Bỏ phố về làng cần một kế hoạch dài hạn
Nhận
định về câu chuyện mang con "bỏ phố về rừng", bỏ trường quốc tế về
trường làng học của chị Hoàng Tuyết Mai và hoa hậu Oanh Yến, một chuyên
gia tâm lý xin giấu danh tính cho rằng hai bà mẹ thiếu một kế hoạch dài
hạn cho một quyết định trọng đại, có tính ảnh hưởng lớn tới con trẻ.
"Nếu các thông tin mà hai bà mẹ chia sẻ là đầy đủ, tôi nghĩ họ có phần tùy hứng, nóng vội khi mang con bỏ phố về quê.
Thay
đổi môi trường sống, làm việc, học tập chưa bao giờ là việc đơn giản,
ngay cả với người lớn. Với con trẻ, đó thực sự là một biến động về tâm
lý.
Do đó, khi quyết định thay đổi môi trường sống, môi trường học
tập của con, cha mẹ nên thảo luận kỹ càng với con về những gì sẽ diễn
ra, những khó khăn nào con sẽ phải đối mặt, giải pháp nào để vượt qua.
Khi
con có sự hình dung đầy đủ, con sẽ bình tĩnh hơn để ứng phó với sự đổi
thay. Từ đó, con chủ động thay đổi dần, chủ động tìm cách thích nghi.
Lý
tưởng nhất vẫn là cha mẹ cho con trải nghiệm môi trường sống mới trước
khi thực sự chuyển đến định cư. Tức cha mẹ lên một kế hoạch dài hạn cho
việc này.
Ví dụ, cha mẹ đưa con về nơi ở mới vào các dịp hè, dịp
nghỉ lễ, đưa con đi chơi quanh xóm làng để con gặp gỡ, kết bạn, làm
quen. Cha mẹ cũng nên xây dựng mối quan hệ gắn bó với hàng xóm. Như vậy,
khi cả gia đình chuyển hẳn về đây, các con không bị bỡ ngỡ, xa lạ", vị
chuyên gia tư vấn.
Chị Hoàng Tuyết Mai tâm sự, chị bỏ ngỏ khả năng
đưa con về tỉnh lẻ sống một lần nữa trong tương lai. Khi có sự chuẩn bị
tốt hơn, con trưởng thành hơn, chị tin tưởng hai mẹ con sẽ thích nghi
được với cuộc sống mới.