Thông tin được cập nhật tại báo cáo tại Tổng kết công tác tuyển sinh
giai đoạn 2025-2023 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025
khối đại học và cao đẳng sư phạm diễn ra sáng 15/3 tại Trường Đại học
Ngân hàng TPHCM.
Dựa
trên chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2023 có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất
trong giai đoạn 2020-2023. Cụ thể, năm 2023, tổng chỉ tiêu là 663.063,
có 546.686 thí sinh trúng tuyển nhập học (chiếm 82,45%).
Tuy
nhiên, nếu tính trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, năm 2023
lại có tỷ lệ nhập học cao nhất với 53,12%. Năm 2021 có tỷ lệ nhập
học/chỉ tiêu cao nhất với 94,08%.
Trước đó, tại Hội thảo
về tự chủ đại học do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, ông Christophe
Lemiere - Trưởng ban phát triển con người Ngân hàng thế giới tại Việt
Nam (World Bank) - đưa ra báo cáo chỉ ra Việt Nam có tỷ lệ nhập học đại
học - cao đẳng (ĐH-CĐ) thấp nhất trong các nước Đông Á giai đoạn
2020-2022.
Ông Christophe Lemiere cho biết, cách đây 20 năm, tỷ lệ
nhập học chung của Trung Quốc thấp hơn Việt Nam. Đến 10 năm trước, tỷ
lệ nhập học của hai nước khá tương đồng nhưng hiện nay, tỷ lệ nhập học
chung của Việt Nam chỉ bằng một nửa Trung Quốc.
Đáng chú ý, thanh
niên Việt Nam thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chiếm chưa đến 15% tổng số
sinh viên đại học và có đến hơn 40% sinh viên thuộc diện khá giả.
Đại
diện World Bank cho rằng, các trường đại học ở Việt Nam đang phụ thuộc
quá nhiều vào đóng góp của hộ gia đình. Cụ thể, năm 2017, học phí chiếm
đến 57% trong nguồn thu của các trường ĐH công lập ở Việt Nam, đến năm
2021, tiền thu học phí chiếm 77% nguồn thu.
Trong khi, hỗ trợ tài
chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn hạn chế như phạm vi bao
phủ thấp, giá trị nhỏ và điều khoản trả nợ kém hấp dẫn; không có chương
trình học bổng cấp quốc gia.
Chương trình cho vay sinh viên do
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam quản lý ngày càng khó tiếp cận. Năm
2011 có 2,4 triệu người thụ hưởng, năm 2017 chỉ còn 725.000 người thụ
hưởng và đến năm 2021 chỉ còn 37.000 người thụ hưởng.
Với phương án khác trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính (mức học phí cao) trong việc tiếp cận giáo dục ĐH, có đến 50% chọn đổi ngành học nếu gặp khó khăn về tài chính, tối đa chỉ 12% cân nhắc sử dụng tín dụng sinh viên.