Sản phẩm
được "trình làng" vào Ngày hội STEM do Trường Trung học Phổ thông
(THPT) Bùi Thị Xuân (TPHCM) tổ chức ngày 11/4. Đáng chú ý, cả hai nhóm
học sinh mới chỉ học lớp 10.
Nguyễn Minh Huy, học sinh lớp
10A11, cùng bạn dành 2 tháng để thiết kế ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo
nhận diện trang phục thể dục.
"Ban đầu, em nghĩ là để tạo ra sản
phẩm AI sẽ khó lắm nhưng sau khi được thầy cô hướng dẫn và nghiên cứu,
bọn em đã có được sản phẩm đầu tay", Huy chia sẻ.
Với nam sinh
lớp 10, hoạt động này giúp cho em và các bạn có thêm nhiều hướng đi
trong nghề nghiệp, đặc biệt kiên định với mục đích chọn ngành trí tuệ
nhân tạo. Tới đây, Huy ấp ủ tiếp tục phát triển sản phẩm nhận diện khuôn
mặt cho học sinh trong trường.
Ngọc Thiện, học sinh lớp 10A3 cũng tự tin giới thiệu về AI dự đoán kết quả trận bóng đá.
Còn
3 bạn nữ trong nhóm Nguyễn Phước Khánh Minh, lớp 11A10, cũng muốn xóa
tan quan niệm ngành công nghệ, kỹ thuật chỉ dành cho nam giới. Khánh
minh cho biết trong tương lai em muốn chọn học ngành liên quan công nghệ
thông tin. Do đó, Minh đã dành thời gian để nghiên cứu về sản phẩm xe
dò line bằng điện thoại di động.
Ngoài ra, ngày hội còn có sự
góp mặt của nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ, ứng dụng lập trình, điều
khiển bằng điện thoại thông minh do chính học sinh thiết kế như: Robot
biết đi, biết hát, chúc mừng sinh nhật; robot ôtô…
Cùng
với đó là những sản phẩm gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em như
xà phòng, tinh dầu, sữa chua, thịt đông, dưa chua…
TS Lê Đình
Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hoa Sen, đơn vị
đồng hành kỹ thuật cùng học sinh nhận xét 2 sản phẩm trí tuệ nhân tạo
được học sinh tạo ra dựa trên 2 thuật toán giải pháp khác nhau nhưng đều
là đặc trưng của AI, đó là nhận diện và dự đoán.
"Tôi rất tự hào
vì đây là sản phẩm của các bạn học sinh. Các em rất giỏi lập trình. Có
thể các bạn chưa thể hiểu quá sâu nhưng đã biết ý nghĩa của thuật toán
để ứng dụng phù hợp, hiệu quả", ông Phong chia sẻ.
Trước
câu hỏi xã hội thường băn khoăn về mức độ đóng góp của học sinh trong
sản phẩm khoa học, TS Lê Đình Phong khẳng định đây là sản phẩm do học
sinh tạo ra. Thầy cô chỉ giữ vai trò chỉ điểm, góp ý cho các bạn biết
dùng công thức, phương pháp nào, biết sửa lỗi khi phát sinh, biết định
hướng phát triển thêm trong tương lai
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu
trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cũng nhấn mạnh tới liêm chính trong học
thuật. Ông nói, khoa học giúp cho con người trở nên trung thực hơn, đây
là tiêu chí hàng đầu được cha mẹ, thầy cô luôn hướng đến giáo dục con em mình.
"Cha
mẹ, thầy cô tự hào khi học sinh mang đến những thành quả nghiên cứu,
sáng tạo do chính các em thực hiện. Những sản phẩm được ra đời từ bài
học lý thuyết đi vào thực tế", ông nói.
ThS
Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh, qua ngày hội STEM, nhà trường muốn gửi đi 2
thông điệp rất rõ: đó là xây dựng trường học hạnh phúc, đồng thời hiện
thực hóa mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đó là học đi
đôi với hành. Thông qua các sản phẩm, các em học thêm nhiều kỹ năng,
chú trọng học để làm người.