Ngày 29/2, Ủy ban Nhân dân
(UBND) TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai
kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học
trên địa bàn.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong hội nghị
là kế hoạch triển khai đặt hàng đào tạo đối với Đề án thành phần thuộc
Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035
và Đại học chia sẻ.
Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo (GD&ĐT), TPHCM đến nay, có 8/9 đề án đã ký kết hợp đồng
với các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và
công nghệ; 4/9 đề án được Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học
và công nghệ theo Quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu với
kết quả "Đạt".
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, thời gian qua, Sở
GD&ĐT đã triển khai các nội dung với 4 đề án đã được nghiệm thu,
chuẩn bị cho quá trình đào tạo.
Trong đó, Sở xác định 5 nội dung
trọng tâm về: Cơ sở pháp lý, quy trình đặt hàng đào tạo các ngành trọng
điểm với các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện; Đối tượng được
tham gia chương trình đào tạo; Kinh phí thực hiện; Trách nhiệm và quyền
lợi của người học; Trách nhiệm và quyền lợi của cơ sở đào tạo.
Ông
Trí Dũng cho biết, đối tượng tham gia chương trình đào tạo được tuyển
chọn từ nguồn học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức của
Thành phố đáp ứng chuẩn năng lực về kiến thức, kỹ năng, thái độ (đầu
vào) theo quy định tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng đủ năng lực tài chính.
Cụ
thể, 3 nhóm đối tượng tham gia chương trình gồm nhóm đối tượng sinh
viên năm 3, 4 của các trường đại học đồng ý tham gia chương trình đào
tạo theo Đề án thành phần với điều kiện cụ thể về kết quả học tập, trình
độ ngoại ngữ, ngành đang học…, có thể tuyển sinh thông qua khảo sát
hoặc bài đánh giá để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nhóm đối tượng 2
là học sinh lớp 12 các trường trung học phổ thông được tuyển sinh từ
năm 2024 thông qua đợt tuyển sinh hàng năm của các trường.
Nhóm
đối tượng 3 là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị
trên địa bàn Thành phố, có nguyện vọng tham gia chương trình đào tạo.
Hình thức tuyển sinh thông qua khảo sát hoặc xét tuyển điều kiện đáp ứng chương trình đào tạo.
Kinh
phí thực hiện đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp
của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các
nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về
trách nhiệm và quyền lợi của người học, ngoài lợi ích theo Quyết định
2426/QĐ-UBND, người học có trách nhiệm thực hiện đúng quy chế đào tạo
của cơ sở đào tạo và quy định của TPHCM về tham gia chương trình đào tạo
theo Đề án thành phần.
Người học sau khi tốt nghiệp theo các chương trình của Đề án thành phần được Thành phố giới thiệu việc làm trong thời hạn 1 năm tính từ khi nhận bằng tốt nghiệp.
Nguồn
kinh phí được xác định là một trong những vấn đề quan trọng khi triển
khai thực hiện đào tạo, trong đó cần xác định tỷ lệ giữa nguồn ngân sách
nhà nước, doanh nghiệp (đơn vị sử dụng lao động), các trường Đại học và
sinh viên đóng góp.
Đặc biệt, trong khâu đào tạo, để có cơ sở
pháp lý theo Luật Ngân sách nhà nước, cần xây dựng dự toán, cụ thể hóa
từng nội dung trong nội dung chi trong Đề án trình Hội đồng nhân dân
Thành phố để có cơ sở pháp lý cho việc chi ngân sách thực hiện Đề án.
Sở
GD&ĐT kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế đặt hàng đào tạo,
trong thời gian chưa tiến hành đại trà có thể tiến hành theo cơ chế thí
điểm đặt hàng cụ thể cho trường đại học chủ trì Đề án thành phần, với số
lượng sinh viên cụ thể nhằm đáp ứng mục tiêu của TPHCM.
Đồng
thời, TPHCM cần nghiên cứu nội dung Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày
24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù
phát triển TPHCM trong việc đặt hàng đào tạo hoặc thí điểm cho các cơ sở
giáo dục đại học, đại học trọng điểm đào tạo theo cơ chế đặt hàng.