Tất cả học sinh phải ký cam kết "không tự ý đi bơi khi không có người lớn đi cùng", theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đây là nội dung được đề cập trong kế hoạch phòng,
chống tai nạn thương tích, đuối nước với trẻ em, do Sở Giáo dục và Đào
tạo ban hành ngày 4/4.
Phó Giám đốc Phạm Khương Duy cho biết đã nhận được kết quả từ các trường và Phòng, tỷ lệ học sinh ký cam kết gần như đạt 100%.
"Trừ một số vài em đang nghỉ hoặc vắng mặt sẽ thực hiện bổ sung trong tuần tới", ông Duy nói.
Theo
ông Duy, việc ký cam kết được Sở thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh
Vĩnh Phúc. Để giám sát, nhà trường, xã, phường và các tổ chức đoàn thể
được giao nhiệm vụ nhắc nhở, tuyên truyền nếu bắt gặp học sinh tự ý đi
bơi mà không có người lớn.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh
Phúc đặt mục tiêu giúp 100% học sinh, trẻ em được học bơi và biết bơi,
có kỹ năng tự cứu đuối; tất cả giáo viên, nhân viên trường học biết cách
phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Kinh phí tập huấn phòng, chống đuối
nước và các hoạt động liên quan được xã hội hoá và các nguồn hợp pháp
khác.
Ông Duy cho biết Vĩnh Phúc mỗi năm có khoảng 10 học sinh bị đuối nước, chủ yếu vào mùa hè khi các em không phải đến trường.
"Con
số này đã giảm so với nhiều năm trước, cũng không cao so với nhiều địa
phương, nhưng đều là mạng người và dù chỉ một học sinh cũng phải tìm
cách phòng, chống", ông Duy nói.
Theo số liệu Bộ Y
tế công bố cuối tháng 7/2022, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây
tử vong hàng đầu cho trẻ em 5-14 tuổi. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt
Nam được đánh giá đã giảm, nhưng vẫn còn 2.000 trẻ đuối nước mỗi năm.
Trong
Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030
giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với 9 bộ, ngành khác, các cơ quan
đặt mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước đến năm 2030