Thông tin trên được chia
sẻ trong chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi
năm 2024 được TPHCM tổ chức sáng 1/6 nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Chương trình mới có thực sự giảm tải?
Phát
biểu tại chương trình, em Nguyễn Tấn Hào, Trường Trung học cơ sở (THCS)
Bình Tân, quận Bình Tân bày tỏ những khó khăn mà học sinh gặp phải khi
học chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Hào
đặt vấn đề: "Chương trình mới có thực sự giảm tải với chúng em hay
không?... Qua khảo sát của trường với học sinh lớp 6,7,8 thì đa phần câu
trả lời như bài rất khó, không hiểu bài, rất khó nắm bắt kiến thức trên
lớp, phải đi học thêm. Chúng em rất băn khoăn việc đang phải tiếp thu
một lượng kiến thức quá nhiều".
Theo Hào, năm học 2023-2024,
chương trình giáo dục mới đã được triển khai tới học sinh lớp 8, tuy
nhiên, qua khảo sát học sinh 6,7,8 cho thấy lượng kiến thức còn quá nặng
với học sinh và chưa phù hợp với độ tuổi.
Điều này dẫn tới học
sinh bị tăng áp lực, thậm chí, trong chương trình mới, một số yêu cầu
được đặt ra còn cao hơn trình độ học sinh, một số bài thực nghiệm tương
đối khó, có những bài còn nặng về kiến thức hàn lâm.
Nam
sinh cũng bày tỏ thẳng thắn về chất lượng giáo viên dạy môn học liên
môn như khoa học tự nhiên, sử - địa lý có phần chưa theo kịp chương
trình mới vì thầy cô phải dạy "trái tay" với môn mình được đào tạo.
"Giáo
viên trước đây chuyên dạy lý, giờ phải dạy thêm hóa và sinh; giáo viên
dạy sử phải dạy thêm địa... và ngược lại", Tấn Hào nói.
Mặt khác,
nam sinh cũng bày tỏ kiến thức học bao quát rộng nhưng học sinh không có
thời gian học kỹ. Nam sinh dẫn chứng, hết học kỳ I, lớp 6 học xong phần
hóa học, chuyển sang học vật lý, sau đó là sinh học; cho đến năm học
sau mới quay lại học hóa học, vật lý, sinh học... dẫn đến không thể nhớ
được khối lượng kiến thức cũ.
Từ đó, Nguyễn Tấn Hào đề xuất xem
xét lại việc tích hợp 3 môn lý - hóa - sinh và sử - địa để học sinh vẫn
học tốt, vẫn hiểu bài và nắm vững kiến thức. Cùng với đó, học sinh mong
muốn giáo viên phân bố thời gian hợp lý hơn các phân môn ở môn khoa học
tự nhiên và học sinh được thực hành nhiều hơn để nắm vững kiến thức.
Đồng
quan điểm, Nguyễn Khánh Vân, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay
chương trình mới hướng tới việc học ít, hiểu nhiều nhưng qua thực tế,
chương trình vẫn còn nặng với học sinh. Nữ sinh cho hay, một số nội dung
chưa được sắp xếp phù hợp, gây quá tải, tiếp thu không hiệu quả, học
nhưng không nhớ bài, kết quả học tập không cao.
Em Huỳnh Gia Phú,
Trường THCS Hoàng Lê Kha, quận 6 bày tỏ sự nhàm chán của học sinh khi
còn học quá nhiều lý thuyết trên sách giáo khoa. Nam sinh mong muốn việc
học trên lớp cần thực hành nhiều hơn để tạo hứng thú.
Gia Phú
cũng góp ý việc dạy học bộ môn lịch sử, cần tránh hiện tượng chỉ nghe
giảng bài và đọc chép. Từ đó, học sinh này đề xuất giáo viên cần tạo
thêm nhiều trò chơi trong tiết học, lấy ứng dụng trong thực tiễn để tìm
hiểu thêm khi nắm được vấn đề cốt lõi, đố vui có thưởng... để học sinh
hứng thú hơn.
Nóng nạn cá độ, thuốc lá học đường
Bên
cạnh nội dung học tập, thiếu nhi TPHCM cũng bày tỏ nhiều vấn đề "nóng",
thậm chí hiện tượng vi phạm pháp luật đang nảy sinh trong môi trường
học đường.
Em Võ Thị Kim Ngân, Trường THCS Thông Tây Hội, quận
Gò Vấp chia sẻ câu chuyện thực tế một nam sinh trong lớp mình tham gia
cá độ đá bóng trên mạng. Ngân kể, một nam sinh cá độ thắng cuộc đã chia
sẻ câu chuyện cho bạn bè trong lớp, điều này khiến không ít bạn cũng
mang tiền đi cá độ.
"Theo em, nguyên nhân của việc trên là do lứa
tuổi học sinh còn tò mò, thiếu hiểu biết. Các bạn thường bị lôi cuốn bởi
câu chuyện thắng lớn, sự ảnh hưởng từ bạn bè. Quan trọng nhất là các
bạn đang thiếu sự giám sát, hướng dẫn từ người lớn, dễ dàng tiếp xúc với
trang web cá độ, không lành mạnh...", Kim Ngân bày tỏ.
Ngoài
ra, các em thiếu nhi tham gia buổi gặp gỡ còn chia sẻ nhiều băn khoăn về
vấn đề bạo lực học đường, học sinh mắc chứng bệnh tâm lý, nạn hút thuốc
lá học đường, sử dụng xe phân khối lớn, quà vặt, đồ chơi không rõ nguồn
gốc...
Chấn chỉnh các đơn vị thực hiện chưa đúng
Giải
đáp những thắc mắc của học sinh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM bày tỏ mục tiêu của chương trình Giáo
dục phổ thông 2018 mong muốn giảm nhẹ kiến thức hàn lâm, thực học.
Vì
thế, trước ý kiến của nhiều bạn phản ánh chương trình nặng, học sinh
học nhiều, học trước quên sau..., Sở GD&ĐT TPHCM sẽ làm việc, rà
soát với các quận huyện, các cơ sở giáo dục.
Ông nhấn mạnh, chương
trình mới định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, không yêu cầu học
thuộc lòng, có thể, một số thầy cô chưa hiểu đúng và dạy đúng định
hướng.
"Chương trình cũ, cách dạy cũ hướng tới kiến thức, dạy học
sinh biết gì, kiến thức gì trong bài học này còn chương trình mới sẽ dạy
các em biết vận dụng gì với những kiến thức đó", ông Hiếu nhấn mạnh.
Giám
đốc sở nhắc lại một phát biểu của mình tại cuộc họp ở quận 3, ông từng
đề nghị thầy cô thay đổi phương pháp kiểm tra miệng đầu giờ, không yêu
cầu học sinh đọc, ghi nhớ thuộc lòng, không gây áp lực cho các em đầu
giờ học.
"Thầy cô phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, phải nhận
xét cả quá trình, như học sinh phát biểu trong giờ học, bài tập, dự án,
giúp học sinh tự tin, tích cực tìm hiểu kiến thức... Nơi nào mà thầy cô
còn áp lực, kiểm tra ngày tháng, sự kiện khô cứng thì không đúng với
tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ đạo của sở", ông
Hiếu bày tỏ.
Về ý kiến đề xuất tách môn khoa học tự nhiên, ông
Nguyễn Văn Hiếu cho rằng liên môn là xu hướng học khoa học chung trên
thế giới, bởi quá trình phát triển không bao giờ ở kiến thức đơn môn.
Ông ví dụ như việc trồng một cây lúa là cả quá trình gồm nhiều yếu tố
lý, hóa, sinh, do đó, học sinh cần được học toàn diện.
Người đứng
đầu ngành giáo dục thành phố cũng thừa nhận áp lực của ngành giáo dục
khi số lượng học sinh tăng cao mỗi năm, song, ông sẽ làm việc với các
đơn vị, yêu cầu không để xảy ra tình trạng vì học sinh đông mà lấy phòng
thực hành, thí nghiệm để làm phòng học.