Chị Trần Ngọc Bảo, có
con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở TP Thủ Đức, TPHCM kể, tuần
trước, lớp con chị có buổi chia tay cuối năm. Hôm đó, chị Bảo bận việc
nên vắng mặt, một số phụ huynh trong lớp đến tham dự cùng các con.
Cuối
ngày, một phụ huynh gửi cho chị clip buổi chia tay và nói, hôm nay con
gái chị xung phong đại diện các bạn lên tặng hoa và gửi lời chúc đến cô giáo chủ nhiệm.
Cháu
cầm bó hoa trao cô rồi dõng dạc nói: "Con chúc cô từ năm sau sẽ trở
thành một cô giáo tốt". Lời chúc của con làm cô giáo và phụ huynh có mặt
cười ngặt nghẽo... Cô giáo đáp lại: "Cô cảm ơn con nhiều nha!".
Chị
Bảo chia sẻ, trẻ em thường có những câu nói, lời chúc ngộ nghĩnh theo
cảm nhận của chúng. Nếu xét về câu chữ, lời chúc này của con thường được
hiểu rằng hiện tại cô giáo chưa phải là một cô giáo tốt.
Nhiều phụ huynh trong lớp còn đùa: "Con ấm ức lâu nay, giờ cuối năm chia tay mới dám nói".
Tuy
nhiên, chị Ngọc Bảo cho hay, chị hiểu sau lời chúc hồn nhiên của con
không hẳn là sự bột phát, lỡ lời hay mang hàm ý "chê cô" mà điều này còn
thể hiện phần nào quá trình cô và học trò tương tác, làm việc, giao
tiếp.
"Trong thời gian dạy học, cô giáo của con tôi thường xuyên
nói với học sinh rằng cô đang trong quá trình hoàn thiện bản thân. Không
phải lúc nào cô cũng đúng, cũng như mọi người, như các con, sẽ có lúc
cô sai sót, hạn chế, có nhiều điểm chưa tốt.
Cũng có lúc cô thiếu kiềm chế, nặng lời hay cư xử chưa đúng với các con, cô rất mong các con thông cảm cho cô", chị Bảo cho hay.
Qua
chia sẻ của con, chị Ngọc Bảo cũng biết cô giáo thường trao đổi với học
trò những gì cô nói, cô dạy các con hôm nay chưa chắc đã đúng, đã phù
hợp với các con sau này.
Nhưng cô mong trong thời gian dạy các
con, các con sẽ giúp cô dần dần trở thành một cô giáo tốt hơn; cô trò
mình cùng giúp nhau trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Chị Ngọc Bảo cho
biết thêm: "Kể cả khi tiếp xúc, làm việc với phụ huynh, cô giáo cũng hay
nói hiểu biết, góc nhìn, nhận thức của cô trong nhiều việc có thể chưa
phù hợp. Cô mong phụ huynh cùng trao đổi, đóng góp ý kiến để cô hiểu
biết hơn, có thêm góc nhìn đa chiều".
Bởi vậy, chị Bảo hiểu ý
nghĩa lời chúc của con mình gửi đến cô giáo. Đó cũng là tâm tư, tư duy
"tốt hơn" con được tiếp nhận từ một người thầy không nhận mình luôn
giỏi, luôn đúng, luôn tốt mà dám nhìn thẳng vào việc người thầy cũng có
hạn chế, người thầy cũng cần học hỏi, lắng nghe, tiếp thu...
Đó là tư duy cởi mở, khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi - trước hết học từ chính học trò của mình - từ một người thầy.
UNESCO định nghĩa giáo dục
chân chính là phải truyền được ý nghĩa và năng lượng cho người học. Ở
đó, giáo viên cần xây dựng được mối quan hệ quan tâm, tin cậy với học
trò và người thầy là người cùng học trò kiến tạo nên các mục tiêu giáo
dục.
Về vai trò của người thầy ngày nay, nhất là trước thời đại
công nghệ đã không còn là việc cung cấp kiến thức đơn thuần cho học trò.
Về mặt kiến thức, giờ đây phải nhìn nhận ở nhiều lĩnh vực, học trò biết
nhiều hơn thầy cô, giỏi hơn thầy cô.
Như lời nhấn mạnh của một nhà giáo dục
tại một tọa đàm về chủ đề người thầy diễn ra ở TPHCM rằng: Người thầy
không thể chỉ học 4 năm ở đại học rồi sử dụng cho cả đời mà hơn bất cứ
ai, người thầy phải có khát khao học tập và có khả năng tự học.
Người
thầy tự học là để nâng cao kiến thức nghề nghiệp, để tăng hiểu biết của
bản thân và đặc biệt theo ông học để biết… mình còn yếu kém, mình cần
phải học hỏi, phải lắng nghe.
Với ông, dạy nghĩa là đang học!