Tham
dự Hội thảo có lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Sở GDĐT
các địa phương và một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, cùng các
chuyên gia tham gia xây dựng cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp
THPT từ năm 2025.
Quang cảnh Hội thảo
Hội
thảo được tổ chức nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả trong công tác xây
dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
về đánh giá đúng năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu cần đạt được của
chương trình GDPT 2018.
Báo
cáo tại Hội thảo, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất
lượng cho biết: Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
đã được Bộ GDĐT chuẩn bị sâu sát, trong một thời gian dài, với các
nguyên tắc cối lõi tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Đó là, bám sát chủ
trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật của nhà nước,
của ngành GDĐT liên quan về công tác tổ chức thi, bảo đảm tổ chức thi
và và xét công nhận tốt nghiệp THPT; bám sát các quy định liên quan đến
thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại
học hiện hành; bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; kế thừa,
phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn
2015-2023; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm
quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.
Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Phát huy trí tuệ toàn ngành
Trước
đó, ngày 28/11/2023, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về
việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp
THPT từ năm 2025”. Theo đó, mục đích tổ chức thi nhằm đánh giá đúng kết
quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu
của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp
THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các
cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung
cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề
nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương báo cáo tại Hội thảo
GS.TS
Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho
biết: Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được triển
khai bảo đảm tính kế thừa như môn Ngữ văn hình thức tự luận, các môn còn
lại hình thức trắc nghiệm; giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa
chọn. Ngoài ra, còn phát triển về nội dung để phù hợp với thực tế triển
khai Chương trình GDPT 2018 như thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn
chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đồng thời thuận
lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018, giảm
bớt khối lượng và sai sót công việc trong tổ chức thi.
Các
câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, phần 1
gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, phần 2 gồm các
câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, phần 3 gồm các câu hỏi ở
dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Các
môn thi chỉ tối đa 4 trang giấy A4, từ đó giảm bớt được khối lượng công
việc, giảm bớt rủi ro in sao, ghép tờ đề thi thuận lợi hơn.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà báo cáo tại Hội thảo
Theo
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, thay vì xây dựng câu hỏi thi theo tính bảo mật,
khép kín như hiện nay, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ
có tính mở, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành. Cụ thể, các
nhà trường, địa phương có những câu hỏi hay, tốt sẽ được gửi về Bộ
GDĐT. Bộ GDĐT sẽ có bộ phận đánh giá chất lượng câu hỏi bằng lý thuyết
khảo thí, gửi ngược trở lại cho các Sở GDĐT, góp phần giúp lãnh đạo địa
phương đánh giá chất lượng dạy, học và biên soạn đề thi.
Nhiều địa phương đã triển khai thử nghiệm theo cấu trúc định dạng đề thi năm 2025
Tại
Hội thảo, các đại biểu tham gia tham luận đã thể hiện sự nhất trí cao
với Bộ GDĐT trong việc kịp thời ban hành phương án thi rất sớm, tổ chức
nhiều hội nghị, hội thảo để các địa phương, học sinh, phụ huynh nắm bắt,
chuẩn bị tinh thần và chủ động triển khai các phương án phục vụ kỳ thi.
Cấu
trúc định dạng đề thi đã được nhiều địa phương triển khai ra đề thi thử
nghiệm với học sinh lớp 10 và 11, được đánh giá hàm lượng đủ sâu để
đánh giá năng lực tư duy của học sinh, tránh tình trạng khoanh mò, học
sinh sẽ phải vận dụng sáng tạo, và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Theo
cô giáo Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng
Phong, tỉnh Nam Định, đề thi kiểm tra lớp 10,11 môn sinh học tại tỉnh
Nam Định đã được thử nghiệm trên 1000 học sinh. Đề thi minh họa được
đánh giá có tính phân hóa rất cao, hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung
bình, trong đó điểm phổ biến là 6,5. Số học sinh đạt điểm 8 và 9 giảm
dần. Chỉ có 1/1000 học sinh đạt điểm 10. Điều này, đòi hỏi học sinh phải
có kiến thức chắc chắn, kĩ năng thành thạo, giảm may rủi trong việc
khoanh lụi đáp án của học sinh, dư luận xã hội có những phản hồi khá
tích cực.
“Bản
thân tôi thấy để ra được đề, người giáo viên cần phải mất nhiều công
sức, đưa ra các vấn đề thực tiễn để đánh giá năng lực của học sinh, ngữ
liệu mang tính mở cao, phát huy năng lực người học, tạo động lực để thúc
đẩy sự phát triển mạnh mẽ của người học và người dạy”, cô giáo Thanh
Xuân cho biết.
Đặc
biệt, đề minh họa và cấu trúc định dạng đề thi được các đại biểu đánh
giá có tác động rất mạnh tới việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Người giáo viên cũng cần phải nâng cao năng lực, dạy cho học sinh vững
vàng kiến thức, cả phương pháp tư duy và thực tiễn, quy trình tính toán,
không còn tình trạng dạy mẹo, không còn những vấn đề hóc búa, xa rời
thực tiễn,…
Đại biểu tham dự Hội thảo
Việc
xây dựng ngân hàng câu hỏi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các địa
phương và các trường. “Chúng tôi rất tâm đắc với định hướng xây dựng
ngân hàng câu hỏi thi, đề thi từ cơ sở cung cấp cho ngân hàng đề, việc
qua cơ sở sẽ định hình rõ được các cấp độ của câu hỏi, nếu có chỉ đạo
đồng bộ thì cả nước sẽ nhanh chóng có được ngân hàng câu hỏi từ các Sở
GDĐT và hỗ trợ rất lớn trong việc đánh giá định kỳ học sinh”, ông Đinh
Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị.
Ngoài
ra, các đại biểu chia sẻ mong muốn đề thi có tính phân hóa, phân loại
tốt hơn, nhất là với những khối ngành đặc thù; sớm triển khai xây dựng
ngân hàng câu hỏi; quan tâm lựa chọn chất lượng đội ngũ xây dựng ngân
hàng câu hỏi; tổ chức tập huấn hướng dẫn để triển khai thực hiện, nhất
là với những môn mới đưa vào như Tin học, Công nghệ; sớm phổ biến phần
mềm thi trắc nghiệm, mẫu giấy; các trường đại học cần xây dựng nhóm môn
xét tuyển phù hợp với chương trình GDPT 2018, đồng thời giảm tỉ lệ xét
tốt nghiệp qua điểm học bạ…
Tiếp tục tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp THPT
Phát
biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, công tác
kiểm tra, đánh giá, công tác khảo thí nói chung và công tác ra đề thi
tốt nghiệp THPT luôn là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, áp lực, đòi
hỏi có nhân lực, vật lực, phối hợp từ chuyên môn đến đảm bảo an ninh cho
đề thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội thảo
Nhắc
lại ý kiến của một số chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, kết
quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian qua đáng tin cậy để các cơ sở giáo
dục đại học lựa chọn là một trong những căn cứ xét tuyển đại học, Thứ
trưởng cho rằng, kết quả đó không chỉ ở công tác ra đề, mà còn ở công
tác coi thi, chấm thi nghiêm túc, công bằng.
“Việc
xây dựng đề thi, tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ, tổ
chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần hướng tới học thật, thi thật, không gây
quá tải, không gây áp lực, đảm bảo khoa học, gắn với thực tiễn và hiệu
quả”, Thứ trưởng nói.
Để
công tác khảo thí, ra đề thi thời gian tới tốt hơn nữa, Thứ trưởng đề
nghị Cục Quản lý chất lượng tổng hợp, tiếp thu ý kiến chuyên gia, cán bộ
quản lý, thầy cô trao đổi tại Hội thảo để tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp
tục bổ sung cho phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi nếu thấy hợp
lý, khoa học.
Cục
Quản lý chất lượng cũng cần sớm xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai
tập huấn xây dựng ngân hàng đề thi và ra đề thi cho cán bộ cốt cán của
các Sở GDĐT. Xây dựng kế hoạch chi tiết về đề thi minh hoạ và sớm công
bố để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục phổ thông dạy và học, kiểm tra
đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ; các cơ sở giáo dục đại học
nghiên cứu để công bố sớm phương án tuyển sinh.
Đối
với Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Thường xuyên, Thứ trưởng đề
nghị sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành hướng dẫn các Sở GDĐT chỉ đạo
các trường phổ thông về nội dung kiểm tra, đánh giá theo định dạng cấu
trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đồng thời, tổ chức kiểm tra
thực tế và định hướng chuyên môn cho các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục.
Thứ
trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các cá
nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng phương án thi và cấu trúc
định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Đối
với các Sở GDĐT, Thứ trưởng lưu ý, trên cơ sở phương án thi, cấu trúc
định dạng đề thi đã được Bộ GDĐT ban hành, trong quá trình chỉ đạo
chuyên môn cần chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; chủ động
ra đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ; chủ động trong công tác
truyền thông tại cơ sở để tạo sự thấu hiểu từ giáo viên, học sinh, phụ
huynh. Trong quá trình làm, nếu có khó khăn các Sở GDĐT thông tin kịp
thời về các đơn vị của Bộ GDĐT.
Từ
góc độ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng đánh giá:
Phương thức tuyển sinh đại học được thực hiện theo Luật Giáo dục Đại
học, tuy nhiên thực tiễn hiện nay, cần thống nhất tăng cường công tác
quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục đại học, trong
đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học lấy kết quả kỳ thi tốt
nghiệp THPT để xét tuyển.
Theo
Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ GDĐT đã từng bước tăng cường sự tin cậy
của kết quả thi tốt nghiệp THPT và tới đây đề thi có độ phân hoá cao
hơn, theo hướng hạn chế tối đa học tủ, học lệch học mẹo, hướng tới học
thật, thi thật, kết quả thật. Do đó, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt
nghiệp là một trong những phương thức cho tuyển sinh đại học sẽ giảm áp
lực, giảm tốn kém cho xã hội, cho chính các trường đại học và đảm bảo
công bằng trong tiếp cận giáo dục.
“Nếu
học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện về
các cơ sở giáo dục đại học để tham gia các kỳ thi riêng thì cơ hội sẽ
ra sao, có công bằng hay không?”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.