Đại học RMIT khởi động chuỗi hội thảo chủ đề
"Giáo dục đại học trong kỷ nguyên số" dành cho các nhà quản lý và giảng
viên Việt Nam từ ngày 29/3.
Đây là hoạt động tiếp nối chuỗi tọa đàm và hội thảo
chuyên sâu về giáo dục trực tuyến, nâng cao số hóa trong giáo dục do Đại
học RMIT thực hiện cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chuyên gia
giáo dục đại học Australia và Việt Nam từ năm 2020.
Chuỗi
sự kiện được tổ chức với mục tiêu phát triển Cộng đồng thực hành
(Community of Practice - COP) do RMIT thành lập và dẫn dắt. Tổ chức này
có sự tham gia của nhiều trường đại học tại Việt Nam nhằm thảo luận và
chia sẻ kinh nghiệm dạy và học trong thời đại số.
Theo công bố tại lễ khai mạc vào ngày 29/3,
với hàng loạt hội thảo chuyên sâu, RMIT sẽ cung cấp các thông tin, kỹ
năng và công nghệ tốt nhất, đang áp dụng tại Australia; đẩy mạnh hợp tác
giữa các chuyên gia giáo dục hai nước; nâng cao năng lực giáo dục đại
học tại Việt Nam.
Tại các hội thảo đào tạo chuyên
sâu, người tham gia sẽ có cơ hội tương tác với các chuyên gia RMIT, phát
triển kỹ năng, kiến thức trong việc sử dụng những phát kiến số hóa
trong học tập và giảng dạy.
Song song, qua việc kết hợp của bài giảng,
phiên tương tác và hoạt động thực hành, cuối chuỗi đào tạo, các nhà giáo
dục sẽ hiểu rõ hơn về vai trò của số hóa trong việc cải thiện chất
lượng bài học, tăng cường sự tham gia và hài lòng của sinh viên. Từ đó,
người tham gia có thể nâng cao năng lực của nhà trường và ngành giáo dục
đại học ở Việt Nam.
Sau hội thảo thí điểm, RMIT sẽ
mở rộng cung cấp các khóa đào tạo cho nhiều đối tượng hơn trong lĩnh
vực giáo dục đại học ở Việt Nam.
Phó giáo sư Seng
Kiat Kok - Quyền Giám đốc phụ trách sinh viên Đại học RMIT cho biết,
trường muốn trở thành một đơn vị tích cực đóng góp cho xã hội và khu
vực. Vai trò của trường là cố gắng cải tiến những cách dạy, học khác
nhau; nâng cao năng lực thế hệ giảng viên tiếp theo; đồng thời, góp phần
phát triển sinh viên và cộng đồng.
Bên cạnh đó,
đơn vị ưu tiên thực hiện cam kết thúc đẩy và phát triển cơ hội từ những
điều đơn giản như công nghệ tiên tiến. "RMIT không đơn thuần nói về
những gì biết rõ nhất, mà chú trọng chia sẻ và học hỏi. Chúng tôi sẽ
liên tục đánh giá hiệu quả thực hiện cam kết đối với Việt Nam và xem
mình có thể làm gì để đóng góp cho cả Việt Nam, khu vực", ông khẳng
định.
Giáo sư Claire Macken - Tổng giám đốc RMIT
Việt Nam cũng cho biết, đơn vị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo
mang tính quốc tế và nguồn lực tiên tiến với các cơ sở giáo dục của Việt
Nam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước. Bằng cách hợp
tác, các cơ sở đào tạo có thể biến cơ hội giáo dục số thành một cột mốc
quan trọng đối với Việt Nam.
"Tại RMIT, điều quan
trọng nhất là đảm bảo cho sinh viên - các nhà lãnh đạo tương lai được
chuẩn bị tốt và trang bị kỹ năng để thành công trong môi trường làm việc
trực tuyến, đồng thời, đóng góp vào sự phát triển của một nền kinh tế
số chuẩn mực", giáo sư Macken nói thêm